Xây nhà lấn chiếm, bán đất lòng sông: Không lẽ chính quyền bất lực?
(ĐCSVN) - Mặc dù không được phép xây dựng nhưng tại khu vực lòng sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc lấn chiếm bãi sông, lòng sông, những công trình xây dựng vi phạm vẫn đang diễn ra công khai.
Trong khi thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý các vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng thì tại khu vực lòng sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), hàng loạt công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại và đang tiếp tục xây dựng.
“Nhiều hộ mua đi bán lại với nhau hoặc bán cho người nơi khác. Họ bán theo sào, người mua ít, người mua nhiều, giá cả thì tùy theo khu vực. Mức giá trung bình khoảng 60 – 100 triệu đồng/sào đất lòng sông” - một người dân ở đây cho biết.
Cầu Long Biên - một công trình kiến trúc được coi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội kề bên trại lợn của các hộ dân. Cảnh tượng này làm xấu đi diện mạo văn hóa đô thị, gây phản cảm cho du khách trong nước, quốc tế khi tham quan Thủ đô.
Những trại lợn bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân tồn tại đã lâu nhưng chính quyền nơi đây vẫn không xử lý.
Tại đây còn diễn ra hàng loạt hành vi vi phạm về việc đổ trộm rác, phế thải xây dựng, san lấp tràn lan để xây dựng nhà ở, công trình dưới lòng sông.
“Xóm lòng sông” có đường bê tông xây dựng kiên cố…
Phía ngoài được rào kín để xác định mốc giới.
Bên trong là vô số các trại gà, sới gà chọi…
… hay những cảnh như thế này.
Không ít công trình dưới lòng sông được bê tông hóa, có khuôn viên rất đẹp.
Nhiều nhà vườn, trang trại xuất hiện dưới lòng sông Hồng.
Tình trạng nhiều nhà vườn, trang trại xuất hiện trên đất bãi giữa sông Hồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ của thành phố khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, qua thời gian dài, chính quyền sở tại vẫn chưa thống kê cụ thể và xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc.
Ngày 1/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng. Việc lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng. Mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng; phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai. Mức phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục; khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục… |