Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng tủ sách cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 20/10/2023 14:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Triển khai dự án hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các nhiệm vụ thành phần của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai trong lĩnh vực thư viện.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Thư viện chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của Dự án này nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, đối tượng hưởng lợi đối với việc xây dựng tủ sách là các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung tủ sách hướng đến “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, gia đình về du lịch; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số; Các chủ đề khác có liên quan đến các dân tộc thiểu số phù hợp với đối tượng thụ hưởng.

Để triển khai thực hiện Dự án, trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã bàn giao sách, tủ sách hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã phát huy được hiệu quả. Tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân tiếp cận với văn hóa đọc. Giúp đồng bào Nhân dân cùng các em học sinh có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, từ đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng  đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Tuyên Quang, đến nay, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao 6 huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức bàn giao Tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 cho 9 xã: Minh Khương (Hàm Yên); Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn); Bình Phú, Hà Lang (Chiêm Hóa); Bình Yên, Lương Thiện (Sơn Dương); Xuân Lập (Lâm Bình); Khâu Tinh (Na Hang). Mỗi tủ sách được xây dựng gồm 1 tủ đựng sách, 292 bản sách, 2 sổ Đăng ký cá biệt.

 Thư viện tỉnh Tuyên Quang trao tủ sách Hỗ trợ cộng đồng cho xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ATK

Tại xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn), Thư viện tỉnh đã tổ chức bàn giao 584 bản sách, 4 sổ đăng ký cá biệt, 1 tủ đựng sách. Tủ sách cộng đồng được đặt tại nhà văn hóa trung tâm xã nên thuận tiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tham khảo, tìm đọc. Ông Bàn Sinh Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Minh phấn khởi chia sẻ: Được xây dựng tủ sách cộng đồng sẽ góp phần đưa văn hóa đọc trên địa bàn xã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức thực hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Nội dung tủ sách là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Giới thiệu nét đẹp đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số. Sách hỗ trợ chủ yếu các môn loại: Chính trị xã hội; Pháp luật, Khoa học kỹ thuật; Văn hóa nghệ thuật, Thiếu nhi... hoặc cập nhật, bổ sung sách, tài liệu mới cho tủ sách hiện có phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Thành Trung, Cán bộ Thư viện tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong thời gian qua, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Thư viện, Trung tâm Văn hóa, truyền thông và Thể thao huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát các xã, thôn bản trên địa bàn để xây dựng tủ sách cộng đồng đúng đối tượng, đáp ứng theo tiêu chí đề ra. Từ đó, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Chị Lý Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN xã Khâu Tinh (Na Hang) bày tỏ, các đầu sách rất đa dạng và phong phú. Trong thời gian tới, cá nhân chị sẽ tích cực đọc sách, chỉ đạo các chi hội phụ nữ nỗ lực khai thác để sử dụng tủ sách có hiệu quả, góp phần nâng cao tri thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ phụ nữ.

Bà Đỗ Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh Tuyên Quang cho biết, mỗi tủ sách trị giá 30 triệu đồng, gồm 1 tủ đựng sách, 292 bản sách. Để nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách, cấp ủy, chính quyền các xã cần quan tâm, tuyên truyền, thông tin về tủ sách; vận động, giới thiệu cho cán bộ, công chức và nhân dân đến nghiên cứu, đọc, mượn sách. Đồng thời, thông báo nội dung sách trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh để tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc tìm hiểu, đọc, mượn sách.

Dự kiến, đến tháng 12/2023 sẽ có 20 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ thiết bị xây dựng tủ sách cộng đồng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị có liên quan đang tiếp tục khảo sát các xã, thôn bản trên địa bàn để xây dựng tủ sách cộng đồng đúng đối tượng, đáp ứng theo tiêu chí đề ra.

Lâm Đồng trang bị hơn 7.000 cuốn sách cho các tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Tại Lạng Sơn, trong thời gian qua, Thư viện tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao tủ sách với 257 bản sách cho 12 tủ sách/12 xã của 10 huyện. Nội dung của tủ sách hướng đến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, gia đình, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số; các chủ đề khác có liên quan đến các dân tộc thiểu số… Trong năm 2023, Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai xây dựng tủ sách tại 6 xã: Hồng Phong (Bình Gia), Cao Minh (Tràng Định), Lâm Ca (Đình Lập), Hòa Sơn (Hữu Lũng), Bằng Hữu (Chi Lăng), Khánh Khê (Văn Quan).

Tại Lâm Đồng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa giao Thư viện tỉnh xây dựng 27 tủ sách cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 30 triệu đồng/tủ sách. Trước đó, trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã hoàn thành thí điểm xây dựng 5 tủ sách tại 5 xã của Đà Lạt và Đơn Dương, gồm: Tà Nung (Đà Lạt), Pró, Lạc Xuân, Ka Đơn, Tu Tra (Đơn Dương). Qua đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, Thư viện sẽ tiến hành lựa chọn các loại sách phù hợp, xây dựng tủ sách phong phú nhiều thể loại, tập trung vào các nội dung: Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hoá, đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em.

Theo đó, hơn 7.000 cuốn sách hay gồm nhiều thể loại, tập trung vào các nội dung: Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hoá, đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em… phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương đã được trang bị cho các tủ sách.

Để tủ sách cộng đồng phong phú hấp dẫn độc giả, Thư viện Lâm Đồng sẽ thực hiện luân chuyển sách hàng quý, hàng tháng làm cho nguồn tài liệu luôn mới mẻ. Qua đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Châu Giang (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN