Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Thị xã Phú Mỹ thành đô thị phát triển về công nghiệp và cảng biển

Thứ Năm, 15/08/2024 21:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với những chính sách mang tính đột phá, tạo ra những tác động nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế của địa phương, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) đã trở thành một đô thị phát triển toàn diện, đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp và cảng biển, là trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thị xã Phú Mỹ sau 30 năm xây dựng và phát triển với những chính sách đột phá, từng bước phát triển hình thành vóc dáng của một đô thị công nghiệp và cảng biển. 

Ngày 02/6/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 45-CP về việc thành lập huyện Tân Thành, huyện Châu Đức và thị xã Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 12/04/2018, huyện Tân Thành được công nhận và đổi tên thành thị xã Phú Mỹ theo Nghị quyết số 492/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, ngày 24/11/2020, thị xã Phú Mỹ được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III theo Quyết định 1484/QĐ-BXD. Đây chính là những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Phú Mỹ.

Từ khi thành lập đến nay, thị xã Phú Mỹ đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định là địa bàn trọng điểm ưu tiên đầu tư với 2 trụ cột chính là công nghiệp và cảng biển - logistics. Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, với những chính sách mang tính đột phá, tạo ra những tác động nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế của địa phương. Từ một huyện thuần nông, Tân Thành đã từng bước phát triển, mở rộng để hình thành vóc dáng của một đô thị công nghiệp và cảng biển. Trên địa bàn thị xã tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm quốc gia và của tỉnh: Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa- - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án cầu Phước An; dự án đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép; dự án đường Long Sơn - Cái Mép; dự án đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải (giai đoạn 1)…

Động lực kinh tế của thị xã Phú Mỹ chính là kinh tế biển, trong đó có 2 ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng lớn nhất tỉnh, đó là công nghiệp và cảng biển. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với công suất 117,8 triệu tấn/năm. Trong đó, cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 12 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu; có 9/15 khu công nghiệp tập trung trên địa bàn Thị xã Phú Mỹ, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Phú Mỹ cũng đã xây dựng được Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô diện tích đất khoảng 37,84 ha bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600m trong giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cùng hệ thống kho bãi, depot container rỗng… với tổng mức đầu tư 2.990 tỉ đồng. Đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam bộ, với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại.. cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức.

 Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Thị xã Phú Mỹ.

Năm 2023, thu hút FDI thị xã Phú Mỹ chiếm gần 90% số vốn toàn tỉnh (1,23/1,38 tỉ USD), riêng 7 tháng đầu năm 2024 chiếm gần 80% số vốn toàn tỉnh (1,39/1,75 tỉ USD), lũy kế đến hết tháng 7/2024 chiếm hơn 50% số vốn toàn tỉnh (17/33 tỉ USD).

Trên cơ sở các tiềm năng và lợi thế so sánh, Phú Mỹ có đầy đủ các điều kiện để phát triển thành một trung tâm kinh tế biển, với các tổ hợp cảng biển - công nghiệp - logistics tầm cỡ, nền tảng của một đô thị biển có năng lực cạnh tranh quốc tế bậc cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ; Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ đã xác định thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố cảng - công nghiệp - dịch vụ logistics, cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế của Vùng, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế; là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đến năm 2025, xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố, đô thị loại II. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, là những tiền đề, định hướng để Phú Mỹ tập trung lãnh đạo, phát triển trong thời gian tới.

 Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 12 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, với những lợi thế “cửa ngõ” của vùng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi: mực nước sâu, cảng “kín”, ít chịu gió bão, ít bị bồi lắng, nằm gần sát tuyến hải hành quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới…; là nơi tập trung các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics; đặc biệt là sự kết nối giao thông giữa cảng Cái Mép với các tỉnh Miền Tây qua cầu Phước An; kết nối Cảng với sân bay Quốc tế Long Thành qua cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4, Phú Mỹ sẽ nhanh chóng đạt mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN