Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng “thế trận lòng dân” ở đồng bằng Bắc bộ trong kháng chiến chống Pháp

Thứ Bảy, 04/05/2024 10:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, “thế trận lòng dân” là một yếu tố quan trọng, quyết định đến việc hình thành sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng to lớn chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhân nhân đồng bằng Bắc Bộ tập trung thuyền đưa cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320 vượt sông vào vùng địch hậu (Ảnh tư liệu) 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bằng Bắc Bộ giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa là tiền tuyến lớn nhưng cũng là hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của, chi viện cho các chiến trường của cả nước. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đã phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh Nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phối hợp có hiệu quả với chiến trường chính, góp phần làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, quân dân đồng bằng Bắc Bộ phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước, ra sức xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân, từng bước làm chủ địa bàn đồng bằng, thu hẹp phạm vi đóng quân của địch. Đầu năm 1953, trên địa bàn đồng bằng Bắc Bộ thế trận chiến tranh Nhân dân được củng cố vững chắc; khu du kích, căn cứ du kích được mở rộng, phong trào xây dựng làng chiến đấu phát triển rộng khắp, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích phát triển.

Ngày 23/2/1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của quân dân đồng bằng Bắc Bộ: “Lợi dụng mọi cơ hội để đánh nhỏ, phá hoạt giao thông, kho tàng, đánh địa lôi, phá hoại cầu đường, làm cản trở vận chuyển của địch…”. Chấp hành chỉ thị, quân dân đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Mở đầu là trận tập kích sân bay Gia Lâm, sân bay quan trọng bậc nhất ở Bắc Đông Dương, đầu cầu tiếp tế hàng không cho Điện Biên Phủ, phá hủy 18 máy bay, diệt 16 tên địch. Đêm ngày 7/3/1954, phân đội chiến đấu gồm 32 chiến sĩ bộ đội tỉnh Kiến An tập kích sân bay Cát Bi, 59 máy bay cùng nhiều vũ khí và phương tiện chiến đấu của địch bị phá hủy. Địch bị tổn thất nặng nề, gặp khó khăn trong việc dùng không quân tiếp tế cho các chiến trường.

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 -1954, cùng với quân dân cả nước, quân dân Liên khu III, Khu Tả Ngạn đã xây dựng và phát huy tốt sức mạnh “thế trận lòng dân”, xây dựng chính quyền mới, chủ động các phương án, kế hoạch tác chiến; tích cực đánh địch càn quét, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch cơ động, triển khai, tạo lập thế trận, đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực trừ gian bảo vệ địa bàn, bảo vệ các huyết mạch giao thông. Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đã chủ động tiến công giành nhiều thắng lợi, tiêu diệt hơn 40.000 tên địch; bức rút, bức hàng 250 vị trí; bắn rơi, phá hủy 82 máy bay; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; khiến địch không thể rút lực lượng cơ động để tăng cường cho các chiến trường.

Đoàn tàu của thực dân Pháp bị lực lượng du kích đánh đổ tại ga Phạm Xá (Hải Dương) ngày 31/1/1954 (Ảnh tư liệu) 

Đi đôi với hoạt động quân sự, phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận phát triển mạnh mẽ. Tại các vùng bị địch chiếm đóng, nhân dân nổi dậy phá bỏ hầu hết các trại tập trung trở về quê cũ làm ăn. Phong trào đấu tranh của nhân dân chống địch bắt lính cũng diễn ra rộng khắp vùng đồng bằng. Chỉ tính riêng ở Khu Tả Ngạn, 3 tháng đầu năm 1954 đã có tới hơn 200 cuộc đấu tranh. Tháng 4/1954, Tỉnh ủy Hà Nam phát động đợt tiến công chính trị vào hàng ngũ địch, có ngày hàng nghìn đồng bào kéo đến đồn bốt, doanh trại của địch, kêu gọi người thân trở về, đã có 4.082 binh lính địch bỏ ngũ.

Để khơi dậy, quy tụ và phát huy được sức mạnh “thế trận lòng dân”, Khu ủy Liên khu III, Khu Tả Ngạn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang về đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước; đồng thời tổ chức các phong trào cách mạng rộng lớn, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến. Tập trung xây dựng chế độ mới, thực hiện đầy đủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước lớn mạnh, hiệu suất chiến đấu cao, đủ sức phối hợp với lực lượng chủ lực của Bộ chiến đấu tiêu diệt kẻ thù; đặc biệt là chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc tạo thành khối thống nhất, không có sự phân biệt, chia rẽ, kỳ thị trong phong trào hoạt động cách mạng.

Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để đánh thắng”, quân và dân đồng bằng Bắc Bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của chi viện cho phía trước, nhất là mặt trận chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Những tháng đầu năm 1954, gần 1 vạn thanh niên nhập ngũ bổ sung cho quân thường trực; hàng vạn dân công từ các tỉnh đồng bằng Liên khu III, Khu Tả Ngạn tấp nập thồ, tải súng đạn, lương thực thực phẩm ra phía trước. Đặc biệt, tại tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình nằm trên đường tiếp viện từ Khu III, Khu IV lên Tây Bắc, quân và dân các huyện vùng tự do làm hàng trăm lán trại, kho tàng, xây dựng và bảo vệ binh trạm tiền phương số 1 của Tổng cục Cung cấp. Mặc dù vừa trải qua vụ đói ngặt nghèo, nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ vẫn tự nguyện đóng góp cho Nhà nước hàng nghìn tấn lương thực, nhiều địa phương nộp vượt chỉ tiêu quy định. Liên khu III, Khu Tả Ngạn đã cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ 1.464 tấn gạo, 64 tấn thịt, 266 tấn muối, 51,66 tấn rau khô, 6.400 dân công, 1.712 xe đạp thồ, 736 xe bò, ngựa trâu… góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954), buộc thực dân Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Thắng lợi này không chỉ là chiến công của các lực lượng trên chiến trường mà còn là sự góp sức của đồng bào cả nước, trong đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ, để lại bài học sâu sắc về xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân”.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực còn nhiều phức tạp, khó lường. Trong nước và địa bàn Quân khu, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thời gian tới, LLVT Quân khu 3 tiếp tục thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế; yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đòi hỏi ngày càng cao. Để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hơn lúc nào hết lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn Quân khu 3 phải xây dựng “thế trận lòng dân” tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Trước hết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân về đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao; triển khai thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là địa bàn biên giới, biển đảo, địa bàn kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và trọng điểm về tôn giáo. Triển khai sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững mạnh.

Máy bay của quân Pháp bị bộ đội ta phá hủy trong trận tập kích sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954. (Ảnh tư liệu)

Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng thường trực theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có biên chế tinh, gọn, mạnh, số lượng phù hợp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao. Tập trung đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bảo đảm sát với địa bàn và đối tượng tác chiến; đồng thời tăng cường diễn tập khu vực phòng thủ, huấn luyện đêm, nâng cao khả năng cơ động trên các địa hình phức tạp.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước ta, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển lên một tầm cao mới. Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Nguyễn Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN