Xây dựng phên dậu nơi biên cương (kỳ 2)
(ĐCSVN) - Khắc ghi lời Bác và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, tỉnh Kon Tum đã huy động được sự chung tay của các lực lượng, cùng nhau đoàn kết xây dựng nên phên dậu vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Cuộc họp chi bộ thôn Dục Nhầy 1 (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) luôn có sự tham gia của đảng viên Đồn biên phòng Dục Nông |
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ“Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh to lớn toàn dân tộc, giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, khắc ghi lời Bác và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, tỉnh Kon Tum đã huy động được sự chung tay của các lực lượng, cùng nhau đoàn kết xây dựng nên phên dậu vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Trong những chuyến đi tới vùng biên giới, có lẽ điều làm tôi ấn tượng nhất chính là sự “đa năng” của những người lính biên phòng. Tôi từng được thấy họ hiên ngang, sẵn sàng tay súng trên đường tuần tra biên giới, và cũng là họ trở thành anh “kỹ sư” hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi, là “người thầy” dạy chữ cho các em nhỏ vùng biên...
Trên thảm rẫy xanh của vợ chồng anh A Tuấn (thôn Dục Nhầy 3, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), thường xuyên có các anh bộ đội biên phòng đến hướng dẫn gia đình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế.
Anh A Tuấn chia sẻ: Từ nguồn hỗ trợ của bộ đội biên phòng và các hội, đoàn thể tại địa phương, gia đình tôi tham gia mô hình nuôi heo đen đến nay đã được 4 năm. Không chỉ hỗ trợ vốn để mua heo giống, các anh bộ đội cũng thường xuyên đến thăm và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, phòng bệnh cho heo; cách kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, giúp gia đình phát triển kinh tế.
Cách đó không xa, tại nhà rông thôn Dục Nhầy 1 (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), cuộc họp của Chi bộ thôn luôn có sự tham gia của cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông. Chị Xiêng Thị Tuý - Bí thư chi bộ thôn Dục Nhầy 1 cho biết: Nhờ sự tham gia của đảng viên là cán bộ Đồn Biên phòng, chất lượng sinh hoạt chi bộ của thôn đã được nâng lên rõ rệt. Không chỉ giúp cấp uỷ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân, bộ đội biên phòng còn gần gũi, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, được bà con quý mến.
Cũng như trong Ngày hội biên phòng tại xã biên giới Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), khi trò chuyện với bà con và các đảng viên tại khu dân cư của xã biên giới Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi), tôi được họ kể cho nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến bộ đội biên phòng. Đó có thể là câu chuyện về mấy đứa nhỏ được bộ đội hỗ trợ tiền đi học, chuyện về đợt tuần tra biên giới bữa nọ gặp trời mưa phải ngủ lại trong rừng, chuyện các anh “chỉnh đốn” mấy thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... Và dù là chuyện gì thì cũng khiến người nghe nhận thấy được tình cảm, lòng tin yêu mà bà con dành cho những người lính.
Quân và dân ở biên giới luôn trao đổi, phối hợp, thực hiện tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc |
Bằng sự kiên trì, tinh thần chấp hành mệnh lệnh tuyệt đối của cấp uỷ, lãnh đạo chỉ huy và tấm lòng với nhân dân, những người lính biên phòng đã từng ngày, từng tháng, đặt từng viên gạch để xây nên nền móng vững chắc cho tinh thần đoàn kết quân-dân. Trong từng mái nhà, ở mỗi thôn làng ở vùng biên giới, những dấu chân, nụ cười và giọt mồ hôi của người lính cứ thế mà gieo mầm để cây đoàn kết phát triển, sinh sôi theo tháng ngày, tạo thành bức tường bảo vệ biên giới tuy vô hình mà thật kiên cố, vững bền.
Nhờ sự kiên trì vận động của Bộ đội biên phòng và các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân khu vực biên giới đã tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Năm 2024, toàn tỉnh có 76 thôn, làng, 284 hộ gia đình, 273 cá nhân thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 93 tổ/596 thành viên đăng tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự. Đại tá Phạm Cảnh Toàn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định: Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân là yếu tố then chốt giúp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.
Bộ đội biên phòng luôn đồng hành, hướng dẫn người dân trong phát triển kinh tế |
Những câu nói của đại tá Phạm Cảnh Toàn khiến tôi nhớ về câu chuyện được Thiếu tá A Keo - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Đăk Nhoong kể lại trong “Ngày hội lớn” ở Đăk Nhoong hôm nào: Nhiều lần đi tuần tra biên giới vào mùa mưa, đường trơn trượt và lầy lội, có khi đội tuần tra ở lại trong rừng cả tuần. Có người bị ốm, có người không cẩn thận có thể ngã bị thương, có khi lương thực mang theo đã cạn mà đường đi thì vẫn bị ngập đầy bùn đất, không thể di chuyển... Những lúc ấy, bộ đội biên phòng luôn có sự hỗ trợ của thành viên các tổ tự quản đường biên, cột mốc. Với lợi thế là người tại chỗ, họ thông thạo địa hình và am hiểu về các loại cây, rau rừng có thể làm thức ăn khi cần và hơn hết là họ luôn sẵn lòng giúp đỡ bộ đội. Câu chuyện của thiếu tá A Keo thật đúng như câu nói của Bác: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự chung sức, đồng lòng của nhân dân chính là sức mạnh để cột mốc luôn vững, đường biên luôn yên bình, khu vực biên giới luôn ổn định.
Trên dải đất hình chữ S đa dạng văn hoá và sắc màu, thật khó để khẳng định thời gian nào là đẹp nhất trong năm, nhưng đối với những người con của Tây Nguyên thì có lẽ tháng ba chính là thời điểm rực rỡ nhất. Tháng ba - mùa của những nương lúa chín vàng, của mật ong sóng sánh, của các lễ hội truyền thống đa sắc màu… Những ngày tháng ba, khắp miền biên viễn nơi cực Bắc Tây Nguyên - Kon Tum là tiếng vọng từ bài Quốc ca nơi cột mốc; là những tiếng trống hội rộn ràng, tiếng chiêng ngân dài, những vòng xoang nhịp nhàng trong “ngày hội lớn” như sợi dây gắn kết tình quân- dân, góp phần tạo nên phên dậu vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc.