Xây dựng phên dậu vững chắc nơi biên cương
(ĐCSVN) - Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã chung sức, đồng lòng thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Đồng bào Gié-Triêng biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Ngày hội |
Ngày 09/01/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Là một tỉnh biên giới, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã chung sức, đồng lòng thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới sâu rộng trong toàn tỉnh; xây dựng khu vực biên giới tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng phên dậu vững chắc nơi biên cương, bảo vệ an toàn, an ninh biên giới Quốc gia.
Kỳ 1: “Ngày hội lớn” ở miền biên viễn
Theo chân những người lính biên phòng, vượt qua quãng đường đất dài quanh co, khấp khiểng, chúng tôi đến với xã biên giới Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) vào một ngày tháng ba. Khác hoàn toàn với quãng đường vừa đi qua vốn chỉ có cây rừng và những lằn bụi đỏ, tại trung tâm xã Đăk Nhoong hôm ấy rực rỡ với cờ đỏ sao vàng, những cô gái Gié- Triêng xúng xính trong bộ đồ thổ cẩm, xen lẫn là màu áo xanh thân thuộc của những người lính Biên phòng. Hôm ấy, nhân dân xã Đăk Nhoong cùng nhau đón một “ngày hội lớn”- Ngày hội Biên phòng toàn dân.
Đồng chí Y Hồng Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong cho biết: Để chuẩn bị cho ngày lễ chính, từ mấy ngày trước, bà con các thôn, làng đã cùng bộ đội biên phòng, công an, dân quân và các hội, đoàn thể tổ chức dọn vệ, trang trí hội trường… Chính quyền và nhân dân xã rất vui khi Đăk Nhoong được chọn là đơn vị điểm của tỉnh tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2024. Được biết, từ năm 2020, thực hiện Kế hoạch số 78/KHPH-MTTW-BĐBP, ngày 12/02/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc phối hợp tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân; đồng thời nhằm triển khai hiệu quả, sâu rộng hơn nữa Chỉ thị số 01/CT-TTg, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thống nhất ký kết và triển khai hoạt động phối hợp tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân tại các xã biên giới trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ đó tới nay, Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hoá quan trọng, được nhân dân các xã biên giới đồng tình, đón nhận. Cũng như cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, khoảng thời gian từ cuối năm trước đến tháng ba năm sau là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Gié- Triêng tại Đăk Nhoong. Những năm gần đây, cùng với các lễ hội truyền thống, Ngày hội Biên phòng toàn dân đã dần trở thành một trong những ngày hội lớn của bà con nơi đây. Khoác lên mình bộ thổ cẩm dành riêng cho dịp lễ, ánh mắt hân hoan khi được tham gia vào đội hình biểu diễn cồng chiêng, em A Hoài (học sinh lớp 8B, trường THCS Đăk Nhoong) vui vẻ kể: Để chuẩn bị cho tiết mục cồng chiêng, múa xoang biểu diễn trong Ngày hội, ngoài giờ học, em và các bạn đã tranh thủ tập luyện từ hơn một tháng trước. Ai cũng muốn đánh được bài chiêng hay nhất, múa bài xoang đẹp nhất để dành tặng tất cả mọi người tham gia Ngày hội.
Các em nhỏ xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) đến thăm cột mốc biên giới |
Không chỉ riêng A Hoài, người dân xã Đăk Nhoong hôm ấy đều rất vui bởi từ cách đó cả tuần lễ, bà con đã được thông báo có ba hộ gia đình sẽ được Mặt trận Tổ quốc và Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng nhà Đại đoàn kết, một hộ được tặng bò giống và hàng trăm gia đình khó khăn, thiếu niên, nhi đồng được tặng các phần quà ý nghĩa từ sự chung tay của các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh. Người được tặng quà thì phấn khởi, bà con không được tặng quà thì cũng “vui lây” và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Ngày hội. Vừa nhanh tay sắp xếp các món ăn để tham gia phần thi ẩm thực giữa các thôn, ông A Nhãi (thôn Đăk Nhoong) vừa vui vẻ chia sẻ: Thôn Đăk Nhoong của tôi hôm nay có người được tặng Giấy khen của Chủ tịch huyện, có người được tặng quà, có mấy đứa nhỏ được tặng học bổng, tặng sữa… khiến cả thôn ai cũng vui mừng. Tôi đã lớn tuổi, không giúp đỡ được gì nhiều nhưng cũng hưởng ứng Ngày hội bằng cách hướng dẫn cho các cháu thanh niên nấu các món ăn truyền thống thật ngon để tham gia phần thi ẩm thực.
Chứng kiến sự rộn ràng của Ngày hội Biên phòng toàn dân, gương mặt tươi vui của những em nhỏ và những cái bắt tay thắm tình quân dân giữa bộ đội với dân làng, có thể phần nào thấy rằng lòng dân đã thuận và phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đã thu được thành quả. Đại tá Phạm Cảnh Toàn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Để có một đường biên ổn định như hiện nay rất cần sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Muốn vậy, từng cán bộ, chiến sĩ luôn được nhắc nhở và thực hiện nghiêm công tác nêu gương, nói đi đôi với làm; luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng nếp sống mới; bên cạnh đó là thực hiện tốt các chương trình dân vận của bộ đội Biên phòng như “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, mô hình sinh kế “Bò giống sinh sản giúp người nghèo”… và luôn có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương trên cơ sở hiểu và tôn trọng truyền thống văn hoá của nhân dân bản địa.
Thanh niên cùng bộ đội Biên phòng tuần tra, phát quang đường biên |
Trong nhịp chiêng ngân vang và vòng xoang nhịp nhàng của các thiếu nữ Gié - Triêng, ông A Hùng – thôn trưởng thôn Roóc Nầm (xã Đăk Nhoong) chậm rãi kể: Trước kia, bà con có nhiều “điều kiêng” như cúng để người bệnh hết đau ốm, cúng khi vật nuôi bị chết… nhưng rồi có bộ đội Biên phòng, họ đi lên rẫy làm cùng bà con, hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi, chỉ cho bà con cách để cây lúa thêm nặng hạt, vật nuôi không bị dịch bệnh. Họ còn nhận nuôi những đứa trẻ khó khăn, tặng nhà cho các hộ nghèo… Vì vậy, bà con đã yêu mến các chú bộ đội, coi họ như người nhà. Tin theo lời của bộ đội Biên phòng, bây giờ bà con hiểu rằng đau ốm thì phải uống thuốc, muốn vật nuôi không bị chết thì phải phòng bệnh thật tốt.
Cũng trong nhịp chiêng ngân vang ấy, tôi được các chiến sĩ bộ đội Biên phòng thông tin rằng, từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 năm 2024, không chỉ ở riêng Đăk Nhoong mà tại tất cả các xã biên giới trên địa bàn tỉnh, bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương tổ chức chuỗi hoạt động hướng về biên cương như: Tổ chức phát quang đường biên, cột mốc; giới thiệu lịch sử đường biên, cột mốc cho thanh thiếu nhi; phối hợp với lực lượng Công an, đoàn viên thanh niên tiến hành tuần tra biên giới… Và đặc biệt là 100% các xã biên giới đều tổ chức Ngày hội biên phòng toàn dân như một dịp hướng về bà con vùng biên vốn còn nhiều khó khăn; đồng thời khẳng định và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân. Được biết trong năm 2024, tổng giá trị quà tặng mà các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh vận động, ủng hộ, trao cho các đối tượng khó khăn ở 13 xã biên giới nhân Ngày hội là gần 900 triệu đồng.
Không chỉ là một sự kiện văn hoá, chính trị, Ngày hội biên phòng toàn dân tại tỉnh Kon Tum còn là thông điệp về ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, sự tích cực tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia của nhân dân. Như nhận xét của đại tá Phạm Cảnh Toàn: Thông qua tổ chức Ngày hội biên phòng toàn dân đã góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới. Những ngày tháng ba, tiếng các em học sinh cùng hát Quốc ca nơi cột mốc biên giới; tiếng nói cười của lực lượng thanh niên khi tham gia tuần tra, phát quang đường biên và tiếng trống, nhịp chiêng của Ngày hội Biên phòng toàn dân- Ngày hội kết đoàn của bà con các dân tộc tỉnh vẫn rộn ràng trên khắp miền biên viễn.