Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Nam Định thành tỉnh phát triển khá để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Bác

Thứ Tư, 06/11/2024 16:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Những lời chỉ dạy sâu sắc của Bác mãi là nguồn động viên, là chỗ dựa tinh thần và là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh như Bác hằng mong muốn.

 Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh tại sân Quảng trường Hòa Bình, thành phố Nam Định, ngày 22/5/1963. (Ảnh tư liệu. Nguồn: Tỉnh ủy Nam Định).

5 lần đón Bác về thăm

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Nam Định vinh dự và tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Các chuyến thăm ấy diễn ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều thể hiện tình cảm yêu thương, sự quan tâm của Người đối với mỗi người dân Nam Định.

Lần đầu tiên Nam Định vinh dự được Bác Hồ về thăm, đó là ngày 10/01/1946. Bác đã gặp và nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh và ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Trong lần về thăm này, Bác đã gặp mặt các cháu đại biểu thiếu nhi thành phố Nam Định và thân mật chia kẹo cho các cháu. Trước khi rời thành phố Nam Định, Bác còn đến thăm và tặng quà các cháu mồ côi được nuôi ở nhà tế bần và nhà Dục Anh (đường Hàn Thuyên ngày nay).

Lần thứ hai, vào ngày 24/4/1957, Người về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Bác đã đi thăm gần hết các phân xưởng Tơ, Sợi, Dệt, Nhuộm, Chăn… của nhà máy, vào cả nhà kho và những buồng máy oi bức nhất. Sau khi đi thăm gần hết các phân xưởng, Bác đi bộ cả một quãng đường dài nắng gắt để tới thăm bệnh xá và khu tập thể của Nhà máy.

Ngày 13/8/1958, Bác về thăm Nam Định lần thứ ba. Người đã đến dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang họp tại xã Yên Tiến (Ý Yên). Bác đã nói chuyện với gần 1.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa năm đó và nhắc nhở mọi người ra sức quyết tâm thi đua thực hiện sản xuất thắng lợi. Đặc biệt, Bác nhắc phải chú ý hết sức trong việc giữ nước phòng hạn, giữ đê phòng lụt. Trước khi ra về, Người đã vào thăm một số gia đình trong xã Yên Tiến và ra tận cánh đồng xóm Đông Hưng.

Lần thứ tư vào ngày 15/3/1959, Nam Định lại được đón Bác về thăm. Người đã tới Nhà máy Dệt Nam Định. Cùng ngày, tại Quảng trường Hòa Bình của thành phố, Người đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Bác cho rằng Nam Định đã cố gắng chống hạn nhưng diện tích bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng tìm mọi cách chống hạn, phòng hạn, mặt khác phải có kế hoạch phòng úng. Bác nhấn mạnh: “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”.

Trong lần cuối cùng về với Nam Định - ngày 21/5/1963, Bác đã dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Tại Hội nghị, Người căn dặn: “Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ những nghị quyết đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Cũng trong dịp này, Người đến thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể, một số phân xưởng nhà máy Dệt, khu nhà ở của công nhân, thăm Bệnh viện và phòng triển lãm của tỉnh. Tại đây, khi xem triển lãm một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Sau lần về thăm này cho đến khi mất, Bác đã không có điều kiện để trở lại thăm Nam Định nhưng mỗi lần nghe tin Nam Định lập thành tích, Người đã có thư, điện động viên Đảng bộ và nhân dân Nam Định.

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và lãnh đạo thành phố Nam Định thăm Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: Báo Nam Định).

Từng ngày đổi mới, phát triển

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định: Những lời chỉ dạy sâu sắc của Bác qua mỗi lần về thăm là di sản tinh thần quý giá, là kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nam Định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển tỉnh Nam Định giàu đẹp, văn minh, như Bác hằng mong muốn.

Khắc ghi lời Bác dạy, Nam Định không ngừng nỗ lực cố gắng, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định cho thấy, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2023 bình quân ước đạt 8,8%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. So với năm 2020, quy mô nền kinh tế được mở rộng; đến hết năm 2023 tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,3 lần, thu nhập thực tế bình quân đầu người gấp 1,4 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,4 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 1,6 lần;... Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến hết tháng 8/2023 đạt 92,6% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trung bình hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,43% và 89,96% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội);...

Ðường giao thông ở xã nông thôn mới Hải Quang, huyện Hải Hậu. (Ảnh: nhandan.com.vn). 

Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, 9 tháng năm 2024 kinh tế tỉnh Nam Định tăng trưởng 9,35% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Hồng, thứ 10 toàn quốc, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng. Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, chủ động, sáng tạo, bài bản, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực; đến nay tỉnh đã có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 21,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Nam Định hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của đồng bằng sông Hồng. Từ xóm làng nông thôn, đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay, tươi đẹp hơn, ngập tràn sức sống mới, khí thế mới. Những kết quả quan trọng đó đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, là minh chứng sống động trong thực hiện lời hứa với Bác kính yêu khi Người về thăm Nam Định.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, Bác đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định luôn khắc ghi lời dạy của Bác, làm động lực, niềm tin, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo bước đột phá và sức bật mới, đưa Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quyết tâm đưa tỉnh Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Bác./.

ĐP (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN