Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp

Thứ Tư, 19/04/2023 15:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo các ý kiến tại tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27 vào cuộc sống - xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp", cần nhận diện thật rõ những yêu cầu mới đặt ra từ Nghị quyết 27-NQ/TW, từ đó đề ra giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Sáng 19/4, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế tổ chức tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27 vào cuộc sống - xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”.

Đồng chủ trì buổi tọa đàm là TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS Nguyễn Văn Cương- Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, TS. Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585.

Tọa đàm là hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; đồng thời, nhằm lan tỏa ý nghĩa của Chương trình 585 và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chú trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, đại diện Ban Tổ chức, cho biết: Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng.

 Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TH)

Theo nội dung của Nghị quyết, Đảng ta chủ trương: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Đây là những yêu cầu cao hơn về chất so với các chủ trương hiện hành, nhất là yêu cầu bảo đảm tính “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, ổn định, dễ tiếp cận” của hệ thống pháp luật.

Nghị quyết chủ trương “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật,... bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Điều này đòi hỏi phải coi trọng công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời với chế tài tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, theo cách thức ít tốn kém nhất.

Cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp và người dân

Tại tọa đàm, PGS,TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nhận định Nghị quyết 27 dựa trên Hiến pháp 2013, có nội dung phù hợp thực tiễn, tầm nhìn đến 2030. "Điểm quan trọng nhất là Nghị quyết khái quát hóa được 8 đặc trưng của nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết xác định cụ thể mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật và nhiệm vụ, giải pháp cho việc xây dựng pháp luật", PGS,TS Đinh Dũng Sỹ nói.

Cũng theo PGS,TS. Đinh Dũng Sỹ, muốn đưa luật vào cuộc sống phải đưa cuộc sống vào luật, nghe doanh nghiệp để biết họ muốn gì. Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp và người dân, để từ đó có những giải quyết kịp thời. Ông cũng đề nghị rà soát luật thuế, luật đầu tư, quyền tự do hợp đồng, quyền bình đẳng và canh tranh lành mạnh đi kèm với đó thực thi chấn chỉnh phong cách đạo đứcc công vụ của cán bộ, công chức.

 Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: TH)

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong 3 trọng tâm của Nghị quyết 27, trọng tâm đầu tiên là hoàn thiện pháp luật. Để thực hiện Nghị quyết 27 có 9 giải pháp, 9 nhiệm vụ. Trong đó, vấn đề trọng tâm là hoàn thiện và nâng cao hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật, đây là một thách thức với Bộ Tư pháp.

Đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế xã hội, Chủ tịch VIAC đặt vấn đề chính sách pháp luật có phải giải trình tiếp thu không?. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, cần phải giữ nguyên ý kiến phản biện trong luật, trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của toàn bộ hệ thống, cần kết nối với tính sinh động của xã hội trong vệc xây dựng pháp luật. “Những quy định trong phòng lạnh sẽ làm khổ các doanh nghiệp. Cần phải gắn với thực tiễn, gắn với xã hội”, Luật sư Huỳnh nói.

Chia sẻ với những trăn trở, khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp khẳng định cán bộ Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng tinh thần phục vụ, công tâm trong công việc, tích cực thúc đẩy đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, vì Nhân dân, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. "Chúng tôi không chủ quan, vẫn luôn tiếp tục giáo dục cán bộ của Bộ tránh lợi ích nhóm, tránh xa rời thực tiễn, không ngồi phóng máy lạnh để xây dựng pháp luật. Chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp đầu tư thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến kịp thời vào các dự án luật để bổ sung, hoàn thiện luật đáp ứng cao nhất yêu cầu thực tiễn", ông Nguyễn Kim Tinh nói.

TS. Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, khẳng định các tham luận và ý kiến phát biểu đã cho thấy nhận thức về Nhà nước pháp quyền ngày càng được nâng cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần to lớn vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có kinh tế - xã hội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN