Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng giá trị về văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Thứ Hai, 19/08/2024 09:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Chỉ thị Chỉ thị số 13-CT/TU, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

(Ảnh: Hải Yến/Báo Vĩnh Long)

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) về “Tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên”, nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, các sở, ban, ngành và toàn xã hội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, con người Vĩnh Long nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và công tác giáo dục đạo đức lối sống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, phát triển văn hóa và công tác thanh niên, giáo dục thế hệ trẻ được triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển, đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Các sản phẩm về văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Những phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Cùng với đó các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; phong tục tập quán của đồng bào dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa từng bước được trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được đổi mới và tăng cường; thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật... thế hệ trẻ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương; sống có ước mơ, hoài bão, có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thành Thế cho rằng, Tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đặc biệt, là bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 04/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Vĩnh Long về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Song song đó cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là nhân tố, là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biệu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện nghiêm các giá trị về văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chú trọng tới các chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa con người. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh, thiếu nhi cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh.

Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Huy động sức mạnh toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa quê hương; phát huy các giá trị văn hóa đã được Nhà nước vinh danh; chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở và trong các cơ quan, đơn vị; quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa truyền thống, về hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Long với bạn bè quốc tế. Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa, hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Long, tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh .

Văn hóa, con người là động lực để phát triển quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. (Ảnh: Hải Yến/Báo Vĩnh Long)

Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ Nhân dân; kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa các cấp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. 

Về giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TU trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Thành Thế, cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25 -NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thanh niên và các nội dung cốt lõi của các văn bản Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trong tình hình mới.

Thường xuyên tổ chức các diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc đối thoại với thanh niên, qua đó cấp ủy kịp thời nắm bắt tình hình trong thanh niên; giúp tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên có những định hướng, chủ trương, giải pháp phù hợp và hiệu quả trong tuyên truyền và tổ chức hoạt động; đồng thời giúp cho các tổ chức Đoàn, Hội chủ động hơn trong tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Mặt khác, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; tận dụng tối đa những lợi thế của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền như Zalo, Facebook, Fanpage....Chú trọng công tác theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của thanh niên và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên, nhất là định hướng thông tin tuyên truyền tích cực, chính thống về các lĩnh vực trên các trang mạng xã hội để thanh thiếu niên được trang bị kiến thức đúng đắn.

Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để đoàn viên, thanh thiếu niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mĩ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa việc trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường; phòng, chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên nói chung.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính thiết thực các phong trào, chương trình của Đoàn, đặc biệt là các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên; nâng cao chất lượng tham mưu, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của đoàn viên, thanh niên, đồng thời bám sát vào những định hướng lớn của cấp ủy cùng cấp, Đoàn cấp trên và thị hiếu của đoàn viên, thanh niên để thiết kế hoạt động mang tính hấp dẫn, thiết thực nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và thực hiện.

Đặc biệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn và các tổ chức của thanh niên vững mạnh, đủ sức đảm nhận vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên. Chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, chủ động quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ Đoàn. Rèn luyện và lựa chọn những cán bộ Đoàn ưu tú, đủ phẩm chất, năng lực giới thiệu nguồn cán bộ cho cấp ủy, chính quyền các cấp. Cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ Vĩnh Long phát huy sức trẻ, tính tiên phong, sáng tạo, tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Mạnh dạn giao việc, giao nhiệm vụ để tổ chức Đoàn phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Cuối cùng, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên gắn với thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2015 - 2030; quan tâm xây dựng các khu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên, các tổ chức thanh niên đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN