Xây dựng đường hầm chui qua sông Hàn - nên hay không?
(ĐCSVN) – Việc Đà Nẵng chủ trương đầu tư xây dựng đường hầm chui qua sông Hàn thời gian qua được dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng phải bổ sung quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu đúng trình tự theo quy định rồi mới cho ý kiến.
Trong phạm vi bài viết, ở góc nhìn chuyên ngành, tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này.
Để trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư công trình này, Đà Nẵng phải lập báo cáo tiền khả thi. Nhiệm vụ cơ bản của báo cáo là phải xác định cho được Đà Nẵng có nhu cầu thực sự bức xúc phải làm hầm chui tại vị trí đầu đường Như Nguyệt hay không để trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.
Thế nhưng, liên quan đến dự án trên, đến thời điểm hiện tại dường như chưa có một luận chứng khoa học nào chứng minh sự cần thiết phải xây hầm chui qua sông Hàn được cấp thẩm quyền phê chuẩn. Việc TP. Đà Nẵng tổ chức thi tuyển vừa qua chỉ tập trung vào việc lựa chọn cầu hay hầm là chưa đúng trình tự quản lý dự án đầu tư theo luật định. Vì vậy, mới có chuyện tranh luận “nên” và “không nên” nóng bỏng trong dư luận và truyền thông gần đây.
Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để lấy ý kiến cộng đồng về một công trình đặc biệt quan trọng của TP. Những ý kiến trái chiều thật đáng suy ngẫm và trân trọng bởi nó nói lên tâm nguyện, ước mơ, khát vọng về TP. Đà Nẵng tương lai và thực sự công trình hầm chui sông Hàn lúc này là nỗi trăn trở không phải của riêng ai.
Trước hết, cần luận chứng sự cần thiết phải làm hầm chui qua sông Hàn: Cần hay không và lúc nào cần?
Hãy lấy vài thí dụ để so sánh. Nếu ở trong nước có thể thấy: Hầm Thủ Thiêm với quy mô 6 làn xe, phục vụ cho việc kết nối trung tâm TP. Hồ Chí Minh với khu vực phía Đông Bắc TP gồm các quận 9, quận 2 và khu vực rộng lớn Long Thành, Biên Hòa với dân số trên chục triệu dân. Hiện lưu lượng phương tiện thông qua hầm Thủ Thiêm rất lớn. Theo thống kê của Ban quản lý hầm Thủ Thiêm cho biết: Hàng ngày có hơn 28.000 xe ô tô, 200.000 xe máy thông qua hầm.
Còn từ nước ngoài, điển hình là tại TP. Thượng Hải (Trung Quốc), hơn 23 triệu dân (tính đến năm 2010). TP. Thượng Hải nằm hai bên dòng sông Hoàng Phố. Sông Hoàng Phố đoạn chảy qua TP Thượng Hải dài khoảng 70 km, kết nối qua lại hai bờ bằng 5 cây cầu và 9 hầm chui; khoảng cách bình quân giữa các cầu - hầm khoảng 5-6 km. Mỗi cầu – hầm đảm nhận giao thông cho khoảng 1,7 triệu dân.
Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực dự kiến làm hầm chui qua sông Hàn.
(Ảnh: KTS Hoàng Sừ cung cấp)
Trong khi đó, tại TP. Đà Nẵng thì sao? Đà Nẵng chỉ có 1 triệu dân nhưng trên đoạn sông từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước dài khoảng 12 km có đến 10 cầu. Nếu tính cả hầm chui, bình quân 1,2 km một cầu, mỗi cây cầu chỉ gánh 100.000 dân. Điều này cũng đồng nghĩa việc Đà Nẵng có mật độ cầu dày đặc nhất nước. Và trên thực tế, dường như một vài cây cầu trên sông Hàn Đà Nẵng ra đời chưa phải vì nhu cầu giao thông quá lớn mà vì nhu cầu khai thác đất. Đây cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng Đà Nẵng mau chóng cạn kiệt quỹ đất phát triển cho tương lai.
Trở lại hiện trạng khu vực bờ sông Hàn, đoạn từ cầu quay sông Hàn đến cầu Thuận Phước chỉ có diện tích khoảng 10 km2, dân số 3 phường: Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang chỉ khoảng 150.000 dân. Dân cư ở đây hoàn toàn không có khả năng tăng cao đột biến vì tuyến đường sau khi qua hầm chui là tuyến đường “cụt”, sẽ kết thúc tại chân bán đảo Sơn Trà. Khu vực 10 km2 này hiện đã hết đất để mở rộng khu dân cư. Mặt khác, cảng Tiên Sa sẽ không còn là cảng hàng hóa trong tương lai gần (vì sắp tới cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò này) và sẽ chỉ là cảng phục vụ cho du lịch đường biển, không có lưu lượng giao thông đáng kể. Trong khi đó, các khu du lịch chân Sơn Trà có quy mô không lớn, lượng khách du lịch đến thăm các khu du lịch Sơn Trà, chùa Linh Ứng… có thể đến từ nhiều ngả đường của TP.
Tóm lại, nhu cầu giao thông cho khu vực này là nhỏ, kể cả trong tương lai. Chính từ thực tế nhu cầu giao thông nhỏ bé đó, trong Quy hoạch chung năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Đà Nẵng đã dự kiến xây dựng một cây cầu đi bộ cho du khách ngắm cảnh sông Hàn tại vị trí dự kiến làm hầm chui hiện nay.
Điều khiến mọi người ngỡ ngàng là từ chỗ quy hoạch xác định không có nhu cầu giao thông (chỉ dùng cho du lịch) nhưng "đùng một cái", TP đề xuất xây dựng hầm chui với quy mô “khủng”(?!).
Nếu làm hầm chui qua sông Hàn với quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô, 2 làn xe máy), khu vực nhỏ bé này sẽ có 3 cầu – hầm khủng (cầu Quay, hầm chui và cầu Thuận Phước) phục vụ với khoảng cách chỉ 1,2 km, bình quân 1 cầu/ 50.000 dân(?!).
Không hiểu các nhà quản lý và tư vấn ngành giao thông giải bài toán lưu lượng ra sao mà đưa ra quy mô hầm chui 6 làn xe? Với quy mô này, thậm chí giả sử cho tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay thì lưu lượng cũng vẫn là quá nhỏ bé. Vậy, liệu có cần thiết phải lấy “dao mổ trâu để giết gà” không?
Chưa kể nhược điểm lớn nữa là tuyến hầm có quy mô lớn nhưng khi kết nối vào các con đường ở hai đầu như: Đống Đa, Trần Cao Vân (phía tây), Vân Hồ, Trần Thánh Tông (phía đông)… lại quá nhỏ. Các tuyến này chỉ có bề rộng 2 làn xe ô tô, hiện cũng đang bắt đầu quá tải. Hướng đi các tuyến lại vòng vèo rất không tương thích với hầm chui hiện đại, hoành tráng. Đồng thời, tuyến hầm sẽ dồn luồng giao thông vào các tuyến dọc Lê Lợi và Trần Phú là các tuyến cũng quá nhỏ, chỉ có 2 làn xe ô tô, hiện đang quá tải.
Phân tích luồng hệ thống giao thông sẽ cho thấy, việc kết nối luồng giao thông vào điểm đầu hầm phía Tây sẽ chỉ làm cho tình hình giao thông nội đô phức tạp thêm.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Đà Nẵng tạm dừng triển khai hầm chui và phải nghiên cứu bổ sung Quy hoạch chính là việc giao Đà Nẵng phải luận chứng thật khoa học, đúng theo Điều 7 của Nghị định 59/2015 và Điều 53 của Luật Xây dựng năm 2014 về việc Đà Nẵng có nhu cầu thực sự bức xúc phải làm hầm chui hay không? Làm ngay hay nhiều năm sau có nhu cầu giao thông sẽ làm?.
Người dân Đà Nẵng thực sự vui mừng vì dù còn nhiều khó khăn nhưng TP vẫn thu xếp được 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho dự án hầm chui phục vụ nhu cầu của nhân dân và thúc đẩy TP phát triển.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất và trăn trở nhất là TP đang quyết liệt bỏ ra 5.000 tỷ đồng để làm hầm chui nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc ở đầu cầu Quay (tức cầu sông Hàn), nhưng tình trạng ùn tắc của Đà Nẵng đâu chỉ có ở đầu cầu Quay? Thực tế ùn tắc đang xuất hiện ở rất nhiều điểm trọng yếu trong TP như: Các điểm hai đầu của 4 cây cầu cầu: Thuận Phước, cầu Quay, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn và các vòng xuyến hai đầu đường Nguyễn văn Linh, vòng xuyến đường Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ, các ngã tư lớn Lê Duẩn – Ông Ích Khiêm…
Theo những phân tích trên, hầm chui qua sông Hàn chưa thực sự cần thiết vào lúc này và rất lãng phí vì TP phải bỏ ra trên 5.000 tỷ đồng chỉ giải quyết ùn tắc được duy nhất một điểm là đầu cầu sông Hàn. Chưa kể hàng năm, TP phải bỏ thêm vài chục tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, thông gió, chiếu sáng…
Theo tôi, TP. Đà Nẵng nên giao Sở Giao thông vận tải phối hợp tư vấn chuyên ngành nghiên cứu thêm các phương án giải bài toán chống ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn theo hướng bền vững, sử dụng 5.000 tỷ đồng thực sự hiệu quả.
Ở góc độ chuyên ngành, tôi xin gợi ý một phương án tổng thể gồm 5 nội dung lớn như sau:
1. Mở rộng cầu Quay sông Hàn:
Cầu Quay sông Hàn với quy mô 2 làn xe ô tô thực sự là nút thắt trên trục đường Điện Biên Phủ - Lê Duẩn – Phạm Văn Đồng. Đây là trục giao thông Đông –Tây có quy mô lớn nhất, rộng nhất của TP. Đà Nẵng. Việc mở rộng cầu Quay sông Hàn là tất yếu trong tương lai gần hay xa. Tuy nhiên, có người lo ngại việc mở rộng cầu Quay sẽ làm tăng lưu lượng giao thông vào nội đô nhưng nên hiểu rằng, trục Điện Biên Phủ - Lê Duẩn – Phạm Văn Đồng là trục giao thông ngang Đông - Tây có quy mô lớn nhất, tốt nhất trong khu vực nội đô. Đoạn Lê Duẩn có quy mô nhỏ hơn đoạn Điện Biên Phủ và Phạm Văn Đồng nhưng hoàn toàn có thể nâng lưu lượng thông qua.
Khi hầm chui Trần Phú hoàn thành (hiện đang xây dựng phục vụ Hội nghị APEC 2017), tình hình ùn tắc tại đầu cầu Quay sẽ được giải quyết cơ bản. Nếu làm tiếp hầm chui Lê Duẩn – Ông ích Khiêm, cải tạo ngã tư Lê Duẩn - Lê Lợi - Nguyễn Chí Thanh thì lưu lượng phương tiện thông qua đây sẽ tốt hơn rất nhiều; chưa kể lưu lượng thông qua còn tốt hơn nữa nếu có tuyến metro, xe bus kẹp dọc theo tuyến.
Còn cải tạo mở rộng hay làm mới Cầu sông Hàn là việc cần được nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, nếu làm mới sẽ có thể thêm cho cầu một số chức năng hấp dẫn như: Tích hợp thêm tuyến metro nổi, xây dựng nhà hàng xoay và khu ngắm cảnh TP trên cao … và Cầu sông Hàn rất có thể trở thành cây cầu lớn, hiện đại, đẹp nhất trên sông Hàn.
2. Xây dựng nút giao thông lập thể trên tất cả các điểm nút trọng yếu, cải tạo các ngã tư lớn trên toàn Thành phố.
Bao gồm các điểm hai đầu của 4 cây cầu cầu: Thuận Phước, cầu Quay, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn và các vòng xuyến hai đầu đường Nguyễn Văn Linh, vòng xuyến đường Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ, các ngã tư lớn Lê Duẩn – Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn – Lê Lợi – Nguyễn Chí Thanh…
Tùy điều kiện cụ thể của từng nút để đề xuất các giải pháp kỹ thuật, các dạng nút phù hợp.
3. Không nâng cấp cầu Thuận Phước:
Rất phức tạp về kỹ thuật và lãng phí vì khi cảng Tiên Sa không còn là cảng hàng hóa thì nhu cầu xe tải trọng lớn qua lại ít. Hãy coi cầu Thuận Phước như một cây cầu dự trữ cho phát triển, khi khu đô thị Đa Phước hình thành nhu cầu qua lại tại đây sẽ tăng lên.
4. Nâng cao hiệu quả sử dụng cầu Thuận Phước:
Mở rộng đường Chu Huy Mân vào chân cầu Thuận Phước và tổ chức vòng xoay tại đây để thuận lợi đi lại cho dân cư khu vực Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang.
5. Chuẩn bị cho hầm chui tương lai khi có nhu cầu:
Quy hoạch lại hướng tuyến, vị trí hầm chui, quản lý không gian chặt chẽ nhằm tạo thuận lợi cho xây dựng hầm chui trong tương lai khi thực sự có nhu cầu.
Ở đây tôi cũng lưu ý, sự khác biệt của phương án tổng thể và phương án hầm chui là:
Với 5.000 tỷ đầu tư: Đối với hầm chui chỉ giải quyết được ùn tắc duy nhất một điểm ở đầu cầu Quay sông Hàn và với vài chục tỷ đồng chi phí bảo dưỡng hàng năm. Trong khi đó, nếu là phương án tổng thể sẽ giải quyết ùn tắc cơ bản, triệt để trên toàn nội đô TP, giúp cho TP. Đà Nẵng phát triển bền vững./.