Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng định hướng và các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước

Thứ Hai, 11/09/2023 23:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước (ANNN) là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TL 

 Ngày 11/9, tại Bình Định, Bộ Khoa học và Công Nghệ phối hợp với Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học”.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới IPU với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, cũng là hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tại sự kiện này, các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề đặc biệt quan tâm. Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm của Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% và sông Hồng với trên 50% lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Hơn 60 nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ đến từ 18 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi tham dự hội thảo. Ảnh: TL 

Theo Ngân hàng Thế giới, giá trị sử dụng nước của Việt Nam rất thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Tỷ lệ thất thoát nước trong cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn còn cao (20-25%; trong thủy lợi khoảng 30%). Ngoài ra, vấn đề trong chuyển nước, điều tiết nước hay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy cho các lưu vực sông; năng lực khai thác công trình thủy lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Để giải quyết, vượt qua các thách thức nói trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: Công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN); giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý ANNN.

"Trong thời gian vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” sẽ diễn ra đến hết ngày 13-9 với 9 phiên thảo luận chuyên đề: Khoa học và chính trị; các chương trình quan sát trái đất để giám sát nguồn nước; thực hành lập pháp điển hình; ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; Mạng lưới Liên minh nghị viện về nguồn nước; ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN