Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng cao ốc tại ga Hà Nội có đi ngược Luật Thủ đô?

Thứ Sáu, 22/09/2017 10:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngay sau đề xuất di dời ga Hà Nội của Công an TP. Hà Nội nhằm giảm ùn tắc và mất an toàn giao thông đường bộ, thì mới đây lại có thêm đề xuất về việc xây dựng cao ốc từ 40 – 70 tầng tại khu vực này. Sự kiện này đang nhận được nhiều ý kiến từ người dân và các chuyên gia.

Theo đề xuất của TP. Hà Nội xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại với chức năng làm nhà ga trung tâm với các chuyến tàu khách và liên vận quốc tế tỏa đi tất cả các hướng. Với tỷ lệ 1/2.000, tổng diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch là 98 ha, dân số dự kiến là 44.000 người, trong đó, tái định cư tại chỗ là 100% dân số hiện nay với khoảng 40.300 người. Khu vực xung quanh ga Hà Nội có thể được xây dựng với chiều cao từ 40 - 70 tầng với nhiều phân khu khác nhau, tạo nên một tổ hợp trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, khu dân cư trong tương lai.

Ga Hà Nội được khánh thành năm 1902, là một trong những kiến trúc cổ còn lại từ thời Pháp thuộc. Ảnh: VH

Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra, đã nhận được nhiều ý kiến về tính hợp lý của dự án đối với người dân thủ đô Hà Nội và giới chuyên gia.

Lo ngại về vấn đề tăng mật độ dân cư một cách nhanh chóng tại Hà Nội trong thời gian gần đây, anh Trần Huy Hà (Đống Đa, Hà Nội) nêu ý kiến: “Khi có nhà ga tại đây thì đề xuất di dời bởi mật độ giao thông cao, dẫn tới ùn tắc, không đảm bảo an toàn? Vậy đề xuất xây cao ốc tới 70 tầng tại khu vực này liệu có làm tăng mật độ dân cư tại khu vực này hay không? Tôi cho rằng việc này không hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mật độ dân cư tại Hà Nội đang tăng quá nhanh”.

Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hồng Phấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi chuyến tàu đi hay đến ga Hà Nội cũng chỉ lên tới vài ngàn khách. Lượng hành khách tập trung tại đây chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên. nếu xây dựng một tổ hợp các khu chức năng tại đây chắc chắn sẽ làm mật độ giao thông tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn. Như vậy chỉ có tăng áp lực cho giao thông đô thị, chứ không hề giảm đi như mong đợi”.

Ga Hà Nội còn là nơi lưu lại nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Ảnh: VH

Ngoài những lo lắng về sự tăng nhanh của mật độ cư dân và áp lực giao thông sẽ bị đè nặng tại khu vực này, một số ý kiến cũng đề cập tới giá trị truyền thống cũng như vẻ đẹp của những công trình kiến trúc cổ tại đây.

Anh Lê Trung Kiên (Hoàng Mai, Hà Nội) giảng viên Đại học Kiến trúc nêu quan điểm: “Khu vực ga Hà Nội là vùng lõi của Thủ đô. Quanh khu vực này cũng tồn tại rất nhiều kiến trúc cổ mà chúng ta cần phải bảo tồn. Không những vậy, nhà Ga còn mang những giá trị về lịch sử khi Ga Hàng Cỏ đã chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Đó là những cuộc vây ráp, bắt bớ của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt đường dây hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng tại nhà ga; là nơi biết bao người vợ lặng lẽ giấu nước mắt vào trong khi tiễn đưa chồng con “Nam tiến”. Đây cũng là nơi đón Bác Hồ trở về Thủ đô sau khi dự Hội nghị Phôngtennơblô năm 1946. Chuyến tàu từ Hải Phòng về ga Hà Nội an toàn, đúng giờ đã khiến Người rất vui và có thư khen ngợi, dặn dò “Công việc hoả xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em hoả xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”.

Với người Hà Nội thì có lẽ gương mặt ga Hàng Cỏ rực rỡ cờ, hoa ngày Thủ đô được giải phóng 10/10/1954 sẽ là hình ảnh không bao giờ quên được. Bởi cũng từ ngày ấy, ga Hàng Cỏ chính thức được bàn giao cho người Hà Nội quản lý. Tôi cho rằng, nếu cần có thêm những tổ hợp công trình như vậy, thành phố nên xem xét chủ trương xây dựng những tổ hợp này tại những khu vực phụ cận quanh Hà Nội”.

Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn.

Nói về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Các khu vực, di tích và di sản văn hóa tại Hà Nội phải được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nếu xây dựng tổ hợp công trình nhà ga, trung tâm tài chính tại ga Hà Nội hiện nay là đi ngược với Luật Thủ đô đã được thông qua trước đó ”.

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng dẫn chứng, Điều 11, khoản 2 – điểm đ của Luật Thủ đô quy định: "Biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác, xây dựng trước năm 1954" là những di tích và di sản văn hóa phải được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trong khi đó, ga Hà Nội (còn gọi là ga Hàng Cỏ) là một trong những kiến trúc cổ có từ thời Pháp thuộc (1902) và được đánh giá là một trong các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Thủ đô cùng với Phủ Chủ tịch, Tòa án Nhân dân tối cao, Nhà hát lớn, Nhà khách Chính phủ, Nhà thờ lớn...

Ngoài những ý kiến từ phía người dân và luật sư, một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch cho rằng đề xuất này của TP Hà Nội đang đi ngược lại với Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, được Chủ tịch UBND Hà Nội ký ban hành vào tháng 4/2016, trong đó nêu rõ, khu vực Ga Hà Nội chỉ được xây tối đa 18 tầng, tương đương 65m.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, đề xuất xây dựng công trình cao 40 - 70 tầng tại một khu vực hạn chế xây dựng nhà cao tầng (khu vực 4 quận nội đô lịch sử đã được phê duyệt), đặc biệt là khu vực này lại nằm rất gần di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, là điều không hợp lý. “Thành phố đã ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng nội đô với quy định các khu vực không được phép hay hạn chế xây dựng công trình cao tầng (giới hạn tầng cao tối đa tập thể cũ Văn Chương chỉ 18 tầng), không hà cớ gì lại đi nâng vượt trần nó lên. Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Ở đây không phải là bài toán của nhà đầu tư mà là bài toán của chính quyền đô thị” - ông Nghiêm nói.

Đề xuất xây dựng nhà cao tầng tại khu vực ga Hà Nội mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu và lấy ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Tại thời điểm hiện nay, ga Hà Nội vẫn là một trong những công trình kiến trúc cổ nằm trong diện phải được bảo tồn đã được quy định trong Luật Thủ đô. Ngoài ra, khu vực này cũng thuộc diện hạn chế chiều cao công trình được điều chỉnh bằng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội.

Phát triển hạ tầng đi đôi với bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử là ý kiến của người dân Thủ đô gửi tới các nhà hoạch định và những người đứng đầu thành phố./.

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN