Xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện
(ĐCSVN) – Phát huy truyền thống của Bộ đội Biên phòng Việt Nam anh hùng, hơn nửa thế kỷ đã qua, trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Các chiến sĩ BĐBP tỉnh Bạc Liêu trong một buổi tuần tra. Ảnh: T.T
Ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg “Về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách làm công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo và quản lý”.
Ngày 19/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 412/CP về phân công lại nhiệm vụ, đổi tên lực lượng Công an nhân dân vũ trang thành Bộ đội Biên phòng và chuyển từ Bộ Nội vụ (Bộ Công an) sang Bộ Quốc phòng quản lý.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trong những năm qua, BĐBP đã tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, BĐBP luôn quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Các chủ trương, đối sách giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, vùng biển được kịp thời giải quyết, góp phần tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường ổn định lâu dài để xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của BĐBP bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội; tình hình trên các tuyến biên giới, nhất là biển, đảo vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, khó lường.
Để xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện làm nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cần thực hiện tốt một số nội dung định hướng cơ bản sau:
Một là, tiếp tục ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông báo số 165/TB-TW, ngày 22/12/2004, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Bộ đội Biên phòng. Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia: “Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia… sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”. Bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở khu vực biên giới; trong thời bình là quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác thân thiện với các nước láng giềng; khi có chiến tranh hoặc xung đột biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến phòng thủ được phân công trong thế trận phòng thủ chung trên địa bàn.
Hệ thống tổ chức BĐBP phải nằm trong tổng thể tổ chức quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và có hiệu lực trong công tác biên phòng và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành có liên quan và nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Hai là, tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp của BĐBP đã thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm Quy định 104-QĐ/QUTW ngày 16/02/2017 của Quân ủy Trung ương “Một số vấn đề cơ bản về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quyết định 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về việc ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới”. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng BĐBP cần tiếp tục duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt, đổi mới phong cách, phương pháp công tác; làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng. Để nâng cao sức chiến đấu, mỗi cấp ủy viên, tổ chức đảng và đảng viên phải luôn coi trọng xây dựng tổ chức đảng về đạo đức, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp; kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm, với phương châm “tự soi, tự sửa”, tự phê bình và phê bình.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Trước hết, cần bảo đảm chặt chẽ khâu tuyển chọn con người để xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng theo hướng lựa chọn kỹ, bảo đảm tin cậy về chính trị; cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải được huấn luyện, đào tạo chu đáo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ quân sự và nghiệp vụ về công tác biên phòng tốt, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ biên phòng, chống tiêu cực trong quá trình đào tạo, sử dụng cán bộ. Đẩy mạnh công tác tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số và người nơi khác đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo để đào tạo, phục vụ trong BĐBP. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng trong giai đoạn cách mạng mới; phải hết sức quan tâm đến xây dựng đội ngũ chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời bình cũng như thời chiến, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phải phù hợp với tính chất hoạt động, chiến đấu, công tác của lực lượng. Cần nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu đội ngũ sĩ quan, nhất là quân nhân chuyên nghiệp ở các đồn biên phòng. Đối với đội ngũ cán bộ, cần chú trọng đào tạo kiến thức toàn diện và tiếng dân tộc, biết ngoại ngữ, nắm chắc phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nắm vững chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới. Tiếp tục đề xuất với Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ, chiến sỹ hoạt động, công tác ở vùng sâu, vùng xa. Riêng đối với các đơn vị biên phòng, cần quan tâm ưu tiên bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở các đồn, trạm và chính sách hậu phương quân đội với cán bộ.
Bốn là, tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang bị, kiện toàn tổ chức, biên chế, thực hiện có hiệu quả các đề án “Chiến lược biên giới quốc gia”; “Tổ chức lực lượng đến năm 2020”, đề án “Quy hoạch hệ thống đồn trạm biên phòng” và các đề án liên quan đến nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của BĐBP… Cần tăng cường trang bị, vũ khí, khí tài chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, phương tiện vận tải, tuần tra, kiểm soát, vận chuyển, cơ động lực lượng trên bộ, trên biển, phương tiện thông tin liên lạc để chỉ huy, chỉ đạo tác chiến và xử lý các tình huống đột xuất, phương tiện trinh sát thám không và tác chiến điện tử, quản lý, kiểm soát cửa khẩu và công cụ hỗ trợ cho nhiệm vụ trấn áp gây rối, bạo loạn và tội phạm hình sự nguy hiểm... Thực hiện tốt, có hiệu quả đề án đóng mới tàu thuyền, mua sắm phương tiện, trang bị chuyên ngành biên phòng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với chiến lược trang bị của BĐBP trong tình hình mới./.