Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Thứ Hai, 18/12/2023 17:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030 là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.

Quy hoạch sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh BR-VT có những bước đi đột phá, phát triển mạnh trong tương lai.

Ngày 16/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1629/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có những bước đi đột phá, phát triển mạnh trong tương lai, qua đó tiếp tục duy trì vị thế của tỉnh trong tứ giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam bộ.

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng. Cụ thể, vùng công nghiệp - cảng biển gồm toàn bộ thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, một phần các huyện Châu Đức và TP Vũng Tàu.

Vùng du lịch và đô thị biển nằm dọc quốc lộ 55 và phía đông nam quốc lộ 51 đến khu vực ven biển dọc tỉnh lộ ĐT994 thuộc TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Vùng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở phía bắc và đông bắc của tỉnh, thuộc các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức

Vùng chức năng biển và hải đảo, trong đó phát triển Côn Đảo thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Quan điểm phát triển phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; Nghị quyết số 24/NQ/TW năm 2022 về phát triển vùng Đông Nam Bộ; Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành...

Mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030 là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.

Đến năm 2030 đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước.

Phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Về kinh tế tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và vùng động lực phía Nam.

 Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500USD).

 Về cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng khoảng 58-58,5% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 40-43%); dịch vụ 29-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5-6,7%. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.

 Về tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”./.

Tiến Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN