Xăng dầu giảm, sao giá hàng hóa chưa giảm?
(ĐCSVN) - Giá xăng dầu giảm mạnh sau nhiều lần điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm và đang ở mức cao. Thực tế này đã gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, tác động đến tính ổn định thị trường; đồng thời, gây nhiều khó khăn đối với đời sống người lao động, đòi hỏi cần sớm có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả…
Với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, đến nay sau 4 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8/2022, giá bán lẻ xăng E5RON92 đã giảm 6.683 đồng/lít (không cao hơn 24.620 đồng/lít); xăng RON95 giảm 7.268 đồng/lít (không cao hơn 25.600 đồng/lít); dầu diesel giảm 6.112 đồng/lít (không cao hơn 23.900 đồng/lít)… Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi đây là mặt hàng chiến lược quan trọng, là nhiên liệu đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm giá xăng dầu sẽ trực tiếp giúp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển. Qua đó, sẽ góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tuy giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn đang ở mức cao. Ảnh: VL. |
Thông thường, khi giá xăng dầu tăng thì hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng giá theo. Tuy nhiên sau 4 kỳ điều chỉnh gần đây, mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh, song người lao động tiếp tục phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ với mức giá cao tương đương thời điểm xăng dầu chưa giảm giá. Điều này đã tác động đến quan hệ cung cầu hàng hóa, gây ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), sự “ăn theo” giá xăng dầu để nâng giá bán hàng hóa nhằm tăng thêm lợi nhuận và giữ luôn mặt bằng giá mới. Tâm lý chung của người kinh doanh bao giờ cũng giữ giá để có được lợi nhuận cao nhất. Trong khi về bản chất, giá hàng hóa không phải do Nhà nước quy định, mà là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Nên khi người tiêu dùng không có phản ứng thì chắc chắn người bán hàng sẽ không tự động giảm giá. Bởi giảm giá đồng nghĩa với giảm lợi nhuận của doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ. "Khi giá đầu vào tăng, thì hàng hóa tăng rất nhanh. Nhưng khi giá đầu vào giảm thì nó lại giảm chậm. Bởi vì khi người tiêu dùng vẫn chấp nhận, không có áp lực thì họ vẫn bán”, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích thêm.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: HA. |
Đồng tình với quan điểm nói trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Tuy nhiên, khi xăng giảm, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã phần nào chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào người bán. Mặt khác, hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam hiện nay chủ yếu là chợ truyền thống; việc can thiệp của cơ quan quản lý để điều chỉnh giá cả gặp nhiều khó khăn...
Liên quan đến việc giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá hàng hóa, dịch vụ chưa giảm, mới đây nhất, ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết…
Việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa, dịch vụ khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Khi giá đầu vào giảm, các doanh nghiệp đều điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định để đưa mức giá mới ra thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường. Bởi tuy giá xăng dầu đã giảm nhưng đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ còn phải căn cứ theo xu hướng giá chung, theo lộ trình.
Cơ quan quản lý theo phân cấp, cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Ảnh: VL. |
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước đang áp dụng Luật Giá năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, trong đó có quy định rõ ràng về quản lý Nhà nước đối với giá cả. Vì vậy, cơ quan quản lý theo phân cấp, cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá (hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống), bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa phải thực hiện thẩm định giá theo đúng quy định. Cần tăng cường kiểm soát giá, kiểm soát thị trường, có phương án điều chỉnh giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường… Vì khi kiểm soát giá tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh dần về mức hợp lý.
Song song với đó, các địa phương cần tăng cường các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng; thực hiện nghiêm việc công bố, niêm yết giá công khai, minh bạch, làm cơ sở cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát diễn biến giá dịch vụ, hàng hóa; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tiến tới giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán giá cao hơn giá thị trường để sớm bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ; giúp giảm áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng, nhất là người nghèo, lao động phổ thông./.