Xác minh đối tượng mạo danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản
(ĐCSVN) - Mới đây, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sơn La đang phối hợp cùng Công an huyện Mường La (Sơn La) kiểm tra xác minh các vụ việc đối tượng sử dụng mạng điện thoại di động giả danh nhân viên viễn thông, Công an, Viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Nạn nhân đến cơ quan Công an huyện Mường La trình báo. |
Công an huyện Mường La (Sơn La) đã tiếp nhận 6 đơn tố giác tội phạm của các công dân trên địa bàn huyện Mường La cùng với nội dung bị các đối tượng giả danh nhân viên viễn thông, Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như anh Cà V.A. (SN1973, trú tại xã Mường Chùm, huyện Mường La, Sơn La) bị chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng vào ngày 8/8 hay chị Đinh T.T. (SN1974, trú tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) bị chiếm đoạt số tiền hơn 64 triệu đồng vào ngày 11/8.
Theo trình báo của các nạn nhân, trong lúc ở nhà, các nạn nhân đều nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là Công an ở Trung ương. Qua trao đổi, đối tượng báo các nạn nhân đang có dính líu, liên quan đến một đường dây ma túy lớn nên lực lượng Công an yêu cầu các nạn nhân phải hợp tác điều tra. Các nạn nhân bị "dọa" tài khoản của họ sẽ bị niêm phong để xác minh làm rõ.
Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hết thông tin tài khoản ngân hàng và nếu như chuyển thử tiền thành công và các đối tượng rút được tiền thì mới thôi. Tin lời, các nạn nhân ra ngân hàng chuyển hết tiền mà bản thân đang có cho các đối tượng mà không chút đắn đo, suy nghĩ xem bản thân mình vi phạm gì. Sau khi nhận ra mình bị lừa, nhiều nạn nhân mới đến cơ quan Công an trình báo.
Thượng úy Lò Văn Trường, cán bộ Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Mường La cho biết, các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, để tạo lòng tin cho các bị hại, các đối tượng yêu cầu các bị hại phải cài đặt các ứng dụng chat như Viber, Line hay Telegram… để gọi điện có hình ảnh với đối tượng có sử dụng trang phục CAND hoặc trang phục của ngành Kiểm sát và hứa hẹn nếu số tiền của các bị hại không liên quan thì sẽ được chuyển lại trong vòng 20 phút. Sau khi các bị hại chuyển tiền thì các đối tượng thực hiện chiếm đoạt và ngắt liên lạc với bị hại.
Bên cạnh đó, thủ đoạn hiện nay của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi, khó lường. Nếu như thời gian trước bọn chúng giả số điện thoại của cơ quan chức năng gọi đến máy bàn để lừa đảo thì hiện tại bọn chúng gọi thẳng đến số điện thoại di động của nạn nhân. Các đối tượng còn thu thập được nhiều thông tin, đọc vanh vách khiến nạn nhân run sợ, và tin đúng là cơ quan Công an, Viện kiểm sát... mới có thể có đủ thông tin như vậy. Điều này khiến cho nạn nhân càng thêm tin tưởng.
Trung tá Lê Mùi, Phó trưởng Công an huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Bọn chúng cũng rất tinh vi khi luôn hỏi hiện bị hại đang ở một mình hay có ai khác nữa để tiện đường đối phó, đồng thời yêu cầu bị hại không được hé răng với người khác. Ngoài ra, các đối tượng còn có chiêu đề nghị “giữ bí mật và hợp tác” với cơ quan điều tra.
Chúng hứa hẹn sau khi chuyên án kết thúc sẽ tặng bằng khen và tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng cho những người góp công. Chính vì thế mà không ít nạn nhân đã mất cảnh giác. Việc xác minh điều tra làm rõ các đối tượng lừa đảo cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi đa phần các tài khoản ngân hàng hay số điện thoại đều ở nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng Công an huyện Mường La cũng sẽ cố gắng hết sức để truy tìm được các đối tượng lừa đảo này.
Cho đến cuối tháng 10, Công an huyện Mường La đã nhận được đơn tố giác của 6 bị hại với số tiền hơn 801 triệu đồng. Nhận thức được vấn đề này, Công an huyện Mường La đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân./.