Xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các tổ chức xã hội cùng trao đổi, đánh giá tình hình thực tế, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp thiết thực.
Ngày 6/9, tại thành phố Huế, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”.
Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Tham dự có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, quản lý, đầu mối chuyên trách Dự án 8 - Hội LHPN Việt Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban dân tộc của 13 tỉnh thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu...
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, sau gần 3 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã khẳng định nhiều chỉ tiêu cốt lõi của Dự án đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như hạn chế trong tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và các dịch vụ công. Hội thảo lần này hướng đến việc xác định rõ các vấn đề cấp thiết và đưa ra giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn này.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 70 tham luận phát hiện những vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội thảo được tổ chức nhằm xác định rõ hơn những vấn đề cấp thiết vẫn còn tồn tại, là rào cản cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp can thiệp hiệu quả của Dự án 8 trong thời gian còn lại để phấn đấu thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 1; đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được giải quyết trong thời gian tới để đề xuất cho giai đoạn tiếp theo (2026-2030), góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại phiên 1 của Hội thảo với chủ đề: Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2022-2024, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất, các đại biểu tập trung vào việc đánh giá kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ năm 2022 đến 2024. Đây là giai đoạn đầu tiên của dự án với nhiều hoạt động trọng điểm nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, sinh kế và quyền lợi xã hội.
Quang cảnh Hội thảo |
Phiên 2 với chủ đề: Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đề xuất giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi nghe tham luận từ các chuyên gia, các đại biểu đã chia nhóm để trao đổi, chia sẻ thêm về kết quả triển khai dự án cùng những đặc điểm thực tế tại từng địa phương và rút ra những nội dung cần tiếp tục tập trung giải quyết.
Hội thảo cũng thống nhất các nội dung cần tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ và xây dựng các chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số./.