WHO tiếp tục kêu gọi phân phối bình đẳng vaccine
(ĐCSVN) – Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa kêu gọi bình đẳng trong phân phối vaccine phòng COVID-19 và cần áp dụng thêm nhiều biện pháp phòng ngừa khác để thoát khỏi đại dịch.
Trong cuộc họp ngày 22/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chỉ riêng việc tiêm liều vaccine tăng cường không thể được coi là một tấm vé để tiến về phía trước với các lễ kỷ niệm đã được lên kế hoạch (các kỳ nghỉ lễ cuối năm), mà cần có thêm các biện pháp phòng ngừa khác.
Tiến sĩ Tedros chỉ ra rằng “vaccine vẫn có hiệu quả chống lại các biến thể Delta như Omicron”, đồng thời lấy làm tiếc rằng việc chia sẻ vaccine không công bằng đã khiến nhiều người tử vong.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các nước châu Phi. (Ảnh: UN) |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2021 là một năm mà hành tinh này mất đi 3,5 triệu người có liên quan đến virus Corona, "nhiều ca tử vong hơn cả số ca tử vong do HIV, sốt rét và bệnh lao cộng lại vào năm 2020". Tiến sĩ Tedros cho biết COVID-19 tiếp tục cướp đi sinh mạng của khoảng 50.000 người mỗi tuần, đồng thời chỉ rõ với sự phổ biến của biến thể Omicron ở nhiều quốc gia, các quốc gia cần phải thực hiện “các biện pháp phòng ngừa bổ sung”.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết thế giới đã thông qua đủ vaccine để đạt được mục tiêu 40% ở tất cả các quốc gia vào tháng 9, nếu các vaccine này được phân phối công bằng.
Mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm 2021
Theo Tổng giám đốc WHO, ưu tiên toàn cầu phải là hỗ trợ tất cả các quốc gia đạt được mục tiêu 40% càng nhanh càng tốt và mục tiêu 70% vào giữa năm sau. Ông Tedros lưu ý: “Thật khó hiểu khi một năm kể từ khi có vaccine COVID-19, khoảng 3/4 nhân viên y tế ở châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine nào''.
Trong khi WHO tiếp tục cuộc chiến giành công bằng vaccine, tổ chức này cũng đang nỗ lực xác định thế hệ vaccine tiếp theo thông qua thử nghiệm vaccine trên tinh thần đoàn kết. Phối hợp với Mali, Colombia và Philippines, WHO đã bắt đầu thử nghiệm vaccine đoàn kết. Thử nghiệm này nhằm mục đích đẩy nhanh việc đánh giá nhiều loại vaccine hơn để mở rộng danh mục và cải thiện khả năng tiếp cận.
Các nhóm nghiên cứu ở Colombia, Mali và Philippines bắt đầu tuyển tình nguyện viên vào cuối tháng 9. "Và cho đến nay, hơn 11.500 người đang tham gia thử nghiệm" – người đứng đầu WHO cho biết, lưu ý rằng thử nghiệm bao gồm 2 loại vaccine và 3 loại vaccine nữa sẽ được bổ sung trong thời gian ngắn và có thể sẽ bao gồm nhiều loại vaccine khác.
Trước tình trạng số lượng ca mắc tăng cao, cơ quan y tế của Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia và cá nhân thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO, nhấn mạnh, mọi người hiện giờ đã biết rõ họ cần phải làm gì, từ đeo khẩu trang cho đến giãn cách xã hội và mặc dù phải thay đổi kế hoạch kỳ nghỉ vì đại dịch nhưng điều quan trọng hơn là phải giữ an toàn cho bản thân./.