WHO: Tăng 83% số ca mắc COVID-19 mới ở châu Phi
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/12 thông báo cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới đã tăng hơn 80% trong tuần qua, đồng thời lưu ý rằng sự gia tăng này đặc biệt là do các biến thể Delta và Omicron.
Châu Phi đang trải qua đợt thứ tư của đại dịch, và Tổ chức Y tế Thế giới đã và đang lo ngại về các đợt khác “vì dự báo cập nhật cho thấy châu lục này có thể không đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70% trước tháng 8/2024”. Tuần này, số ca mắc mới tại châu Phi tăng 83% so với tuần trước. Đây là mức tăng nhanh nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm ngoái.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết: “Số trường hợp nhiễm mới tăng gấp đôi cứ sau 5 ngày, tốc độ nhanh nhất được ghi nhận kể từ đầu năm đến nay”, tuy nhiên châu lục này tiếp tục chứng kiến “ít ca tử vong hơn” so với các đợt bùng phát trước đó. Tổ chức này cho biết thêm: “Số người chết thậm chí đã giảm 19% so với tuần trước”.
WHO kêu gọi tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để "cứu sống nhiều người" tại châu Phi. (Ảnh: UN) |
Hơn 3.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 3 tuần đầu tiên của đợt thứ 4
Theo WHO, tổng cộng, có hơn 3.000 trường hợp tử vong được báo cáo trong 3 tuần đầu tiên của đợt đại dịch hiện nay, là đợt thứ tư ở châu Phi. Châu lục này cũng ghi nhận hơn 196.000 trường hợp mắc mới trong tuần kết thúc vào ngày 12/12, tăng so với khoảng 107.000 trường hợp của tuần trước đó.
Khoảng một nửa số trường hợp được báo cáo trong cùng khung thời gian trong đợt thứ ba, do biến thể Delta gây ra. Tiến sĩ Moeti nói thêm: "Chúng tôi đã biết từ lâu rằng các biến thể mới như Beta, Delta hoặc Omicron có thể thường xuyên xuất hiện và gây ra các đợt bùng phát mới trên toàn thế giới, nhưng các khu vực thiếu vaccine như châu Phi sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương".
Tổng cộng, châu lục hiện có gần 9 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 225.000 ca tử vong. Tỷ lệ lấp đầy các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở mức 7,5% ở Nam Phi. “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng và tin rằng số người chết và bệnh nặng sẽ vẫn ở mức thấp trong làn sóng hiện tại, nhưng việc triển khai tiêm vaccine chậm ở châu Phi có nghĩa là hai con số này sẽ cao hơn nhiều so với dự kiến” – Tiến sĩ Moeti lưu ý.
Tình trạng gia tăng số ca mắc mới, trong khi số ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng vẫn ở mức thấp, đặc biệt rõ rệt tại Nam Phi. Quốc gia này đã chứng kiến mức tăng 66% số ca mắc mới trong 7 ngày qua so với 7 ngày trước đó. Trong khi số người nhập viện đã tăng 67% trong 7 ngày qua thì công suất sử dụng giường trong các khoa chăm sóc đặc biệt vẫn ở mức thấp 7,5% và 14% bệnh nhân trong bệnh viện đang được bổ sung oxy.
Ngược lại, WHO thừa nhận rằng với số ca mắc mới tăng vọt, với tỷ lệ tăng gấp đôi cứ sau 5 ngày, chúng ta không được “mất cảnh giác”. Đặc biệt là vì làn sóng này đến trong kỳ nghỉ lễ, "được đánh dấu bằng các cuộc tụ họp và chuyến đi truyền thống, cũng như phạm vi tiêm chủng đáng thất vọng".
Với tốc độ hiện tại, châu Phi sẽ có 70% số người được tiêm chủng vào năm 2024
Nhìn rộng hơn, tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn còn rất khác nhau trong khu vực. Và châu Phi có thể không đạt được mục tiêu 70% được tiêm chủng cho đến tháng 8/2024 theo dự báo của WHO. Trong bối cảnh đó, tổ chức này một lần nữa kêu gọi tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để "cứu sống nhiều người".
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi cho biết: tỷ lệ 70% số người được tiêm chủng được coi là cần thiết để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, tính đến ngày 13/12, chỉ có 20 quốc gia châu Phi đã tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số, chỉ có 6 nước đạt 40% số vaccine và chỉ có hai nước (Mauritius và Seychelles) đạt 70%. WHO khu vực châu Phi cho biết: “Với tốc độ hiện tại, chúng ta sẽ phải đợi đến tháng 5/2022 để có 40% tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi và tháng 8/2024 đạt 70%”.
"Trong một thế giới mà châu Phi có liều lượng và sự hỗ trợ để tiêm phòng cho 70% dân số vào cuối năm 2021 - mức mà nhiều quốc gia giàu có đã đạt được - chúng tôi có thể sẽ thấy hàng chục nghìn trường hợp tử vong do virus corona mới tiếp theo” – Tiến sĩ Moeti cho biết. "Nhưng chúng ta vẫn có thể cứu sống nhiều người nếu có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vào đầu năm 2022".
Omicron đã báo cáo tại 59 quốc gia trên thế giới, trong đó có 11 quốc gia châu Phi
Ở giai đoạn này, 53 quốc gia châu Phi đã sử dụng tổng cộng 264 triệu liều vaccine (hay 61% số liều nhận được). Để có đủ vaccine tiêm cho 70% người dân châu Phi, cần thêm 1,6 tỷ liều và tăng cường nỗ lực nhằm tăng nhu cầu về vaccine. Tiến sĩ Moeti cảnh báo: “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng trong đại dịch này, nơi mà sự tự mãn là kẻ thù”.
Trong khi đó, những thách thức về tiêm chủng của châu Phi đang tăng lên bởi các lệnh cấm du lịch liên quan đến Omicron. Tổng cộng, theo WHO, hơn 2.700 trường hợp Omicron đã được báo cáo tại 59 quốc gia trên thế giới, trong đó có 11 quốc gia châu Phi, chiếm 33% số ca toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ của châu Phi đang giảm dần và Nam Phi không còn dẫn đầu các trường hợp nhiễm Omicron trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, hơn 70 quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cấm du lịch chủ yếu nhắm vào các nước châu Phi. Tiến sĩ Moeti cho biết: “Các lệnh cấm đi lại thường ít ảnh hưởng đến diễn biến của dịch bệnh, nhưng chúng có tác động kinh tế xã hội đáng kể”.
Nhìn chung, chiến lược COVID-19 của WHO đối với năm 2022 vẫn tập trung vào việc tăng cường độ bao phủ tiêm chủng. Chiến lược này cũng sẽ tập trung vào việc tăng cường giám sát để tăng khả năng phát hiện các trường hợp và theo dõi các biến thể mới cần quan tâm./.