Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine để chiến thắng đại dịch

Thứ Năm, 22/07/2021 10:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Phát biểu từ Tokyo (Nhật Bản), ngày 21/7, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên án việc phân phối vaccine COVID-19 không công bằng trên toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu "là một thế giới thống nhất" phải làm mọi thứ để chiến thắng đại dịch, với quyết tâm, cống hiến và kỷ luật.

 Một nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Brazil. (Ảnh: UN)

Tại phiên họp thứ 138 của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) được tổ chức tại thủ đô của Nhật Bản hai ngày trước ngày khai mạc Thế vận hội Mùa hè, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Vaccine là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu. Nhưng thế giới đã không sử dụng chúng tốt”. Theo ông, thay vì được triển khai rộng rãi để dập tắt đại dịch trên mọi mặt trận, vaccine lại đã bị tập trung vào tay của số ít may mắn; được triển khai để bảo vệ những người có đặc quyền nhất trên thế giới, bao gồm cả những người ít có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo nhất, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất vẫn không được bảo vệ.

Cho đến nay, hơn 3,5 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới và hơn ¼ số người đã nhận được ít nhất một liều vaccine này.

Người đứng đầu WHO nêu rõ những gì bề ngoài có vẻ như tin tốt nhưng lại thực sự che đậy một "sự bất công khủng khiếp. Theo cơ quan của Liên hợp quốc, 75% vaccine đã được sử dụng ở 10 quốc gia. Ở các nước thu nhập thấp, chỉ 1% người dân đã nhận được ít nhất một liều thuốc, so với hơn một nửa số người ở các nước thu nhập cao. "Một số quốc gia giàu có nhất hiện đang nói về việc tiêm nhắc lại lần thứ ba cho dân số của họ, trong khi nhân viên y tế, người già và các nhóm dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới (vẫn chưa được tiêm vaccine)" – Tiến sĩ Tedros than thở. Theo ông, "sự thất bại toàn cầu" trong việc chia sẻ vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị - bao gồm cả oxy - đang thúc đẩy đại dịch theo hai chiều: một đối với những người được tiêm chủng và một đối với những người không tiêm chủng.

Nhấn mạnh “đó không chỉ là sự phẫn nộ về mặt đạo đức”, người đứng đầu WHO cũng đồng thời cảnh báo về mặt dịch tễ học và kinh tế: "Khoảng cách này càng kéo dài, đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài, cũng như tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội mà nó gây ra".

Vào thời điểm trước khi diễn ra Thế vận hội Olympic Tokyo, Tiến sĩ Tedros nhắc lại mục tiêu "là một thế giới thống nhất" phải làm mọi thứ để chiến thắng đại dịch, với quyết tâm, cống hiến và kỷ luật. “Chúng ta không chạy đua với nhau; chúng ta đang trong một cuộc chạy đua chống lại virus” – ông nêu rõ.

Tiêm phòng cho 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022

Người đứng đầu WHO đã kêu gọi thực hiện một chiến dịch toàn cầu lớn để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia vào tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào cuối năm sau. Ông nói: “Nếu chúng ta có thể đạt được những mục tiêu này, chúng ta không chỉ có thể chấm dứt đại dịch mà còn có thể khởi động lại nền kinh tế toàn cầu”.

Theo Tổng giám đốc WHO, đại dịch COVID-19 đã dạy cho tất cả chúng ta nhiều bài học đau đớn nhưng quan trọng. Một trong những điều quan trọng nhất là khi sức khỏe gặp nguy hiểm thì mọi thứ đều gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao ưu tiên hàng đầu của WHO là bao phủ sức khỏe toàn dân.

Tiến sĩ Tedros nói thêm: “Tầm nhìn của chúng tôi là một thế giới trong đó mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà họ cần, ở đâu và khi nào họ cần, mà không gặp khó khăn về tài chính”. “Tôi thường được hỏi khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Câu trả lời của tôi rất đơn giản: đại dịch sẽ kết thúc khi thế giới quyết định kết thúc nó” – người đứng đầu WHO nhấn mạnh và nhắc lại rằng các công cụ để ngăn chặn sự lây truyền của virus và cứu sống đã có sẵn. "Mục tiêu chung của chúng tôi là phải tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm sau”./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN