WHO kêu gọi 43 triệu USD để cứu trợ người dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 12/2, đã đưa ra lời kêu gọi ban đầu với số tiền 43 triệu USD để hỗ trợ ứng phó với trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số tiền này sẽ tăng lên khi quy mô của thảm họa trở nên rõ ràng hơn.
- 76 quân nhân Việt Nam lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất
- Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số người thiệt mạng lên hơn 33.000 người
WHO đang gửi vật tư y tế đến Syria để tăng cường phản ứng nhân đạo. (Ảnh: WHO) |
Theo số liệu mới nhất, số người chết sau trận động đất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 hiện ở mức hơn 34.000 người và hàng triệu người bị mất nhà cửa.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết rằng chính quyền Syria dường như sẵn sàng cho phép mở nhiều cửa khẩu biên giới hơn để chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến phía Tây Bắc của đất nước.
Syria, đất nước vốn bị tàn phá bởi chiến tranh, được chia thành các khu vực dưới sự kiểm soát của chính phủ, lực lượng đối lập và các nhóm vũ trang. Và WHO đang làm việc tại tất cả các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất xảy ra hôm 6/2. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động trên khắp đất nước, bao gồm cả ở phía Tây Bắc.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra phản ứng "lên cấp độ tiếp theo" để tiếp cận tất cả những người dân cần giúp đỡ. Ông hoan nghênh quyết định của Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria sau thảm kịch động đất vừa xảy ra. Tiến sĩ Tedros cũng nêu rõ ông đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào chiều 12/2 và Tổng thống Bashar al-Assad "cho biết sẵn sàng xem xét các điểm tiếp cận xuyên biên giới bổ sung cho trường hợp khẩn cấp này". Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh ông đang chờ để vượt qua ranh giới xung đột vào phía Tây Bắc Syria.
Trận động đất vừa xảy ra là cuộc khủng hoảng mới nhất tấn công Syria, sau cuộc xung đột đang diễn ra, đại dịch COVID-19, dịch tả bùng phát và suy giảm kinh tế.
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc Khẩn cấp của WHO, cho biết 12 năm chiến tranh đã "nghiền nát" hệ thống y tế, đồng thời lưu ý rằng trước trận động đất, chỉ có 50% cơ sở y tế hoạt động và tác động thực sự còn lớn hơn nhiều. Ông giải thích: “Không chỉ thiệt hại về vật chất đối với cơ sở hạ tầng mà còn là sự ra đi của nhân viên y tế, mất lương, mất đào tạo".
Trong khi đó, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cũng đã đến Damascus vào ngày 12/2. Ông cho biết các tổ chức nhân đạo sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp cận những người cần giúp đỡ và nhấn mạnh những nỗ lực của ông để tập hợp sự ủng hộ. “Tất nhiên chúng tôi đang tiếp cận với các quốc gia, chúng tôi đang huy động tài trợ và chúng tôi đang cố gắng nói với mọi người rằng hãy gạt chính trị sang một bên. Bây giờ là lúc để đoàn kết vì một nỗ lực chung để hỗ trợ người dân Syria” – ông nhấn mạnh./.