WHO họp khẩn về sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa khỉ
(ĐCSVN) – Ngày 7/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài CHDC Congo và nguy cơ lây lan dịch bệnh ra phạm vi toàn cầu.
Hình ảnh cho thấy virus gây bệnh đậu mùa khỉ (màu cam) đang lây nhiễm các tế bào được mô tả bằng màu xanh lá cây. (Ảnh: NIAID) |
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết Ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp trong thời gian sớm nhất có thể, cùng với sự hiện diện của các chuyên gia độc lập, để đánh giá về việc liệu đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở CHDC Congo có phải là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.
Kể từ đầu năm nay, CHDC Congo đã trải qua một đợt bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh đậu mùa khỉ. Các triệu chứng phổ biến của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban trên da kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền sang người thông qua hình thức tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh, vật liệu bị ô nhiễm hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
Cách đây 2 năm, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành vấn đề gây quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng trong bối thế giới đang bị chao đảo bởi sự tàn phá của đại dịch COVID-19. Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và có hiệu lực kéo dài đến tháng 5/2023.
Tuy nhiên, hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng tại CHDC Congo trong khi các ca bệnh ở bên ngoài quốc gia Trung Phi này cũng bắt đầu xuất hiện. Ông Ghebreyesus cho biết, kể từ đầu năm 2024, CHDC Congo đã trải qua một đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng, với hơn 14.000 ca bệnh và 511 ca tử vong được ghi nhận.
Mặc dù các đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở CHDC Công trong nhiều thập kỷ và số ca bệnh ghi nhận được hàng năm vẫn tăng đều đặn. Tuy nhiên, số ca bệnh trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến và bằng tổng số ca bệnh của cả năm 2023.
Trước bối cảnh trên, ông Ghebreyesus cho biết, WHO đang phối hợp chính phủ các nước bị ảnh hưởng, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Phi, các tổ chức phi chính phủ cùng các đối tác khác để tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ đòi hỏi một phản ứng toàn diện và đặt cộng đồng vào trung tâm hành động./.