WHO cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng với tốc độ đáng lo ngại
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh một số quốc gia tăng cường chiến dịch tiêm chủng thì số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày trên toàn thế giới vẫn tăng lên không ngừng và chưa bao giờ cao như vậy kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tại Lesotho, một nhóm của WHO đang làm việc với các quan chức chính phủ về cách truyền thông về COVID-19. (Ảnh: UN) |
Trong cuộc họp hàng tuần với các quốc gia thành viên ngày 15/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở một số nơi. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: "Trên khắp thế giới, các ca bệnh và tử vong đang gia tăng ở mức báo động. (…) Số ca mắc mới mỗi tuần đã tăng gần gấp đôi trong 2 tháng qua”. Ông cũng đồng thời lưu ý rằng con số này “tiệm cận với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất từng thấy cho đến nay trên thế giới trong thời kỳ đại dịch”.
Theo WHO, sự gia tăng đáng lo ngại số ca nhiễm mới là do kết hợp của một số yếu tố, trong đó đáng chú ý là sự lây lan nhanh chóng của các biến thể và việc tăng cường giao lưu trong xã hội. Cơ quan Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tới "việc sử dụng không nhất quán và nới lỏng sớm các biện pháp y tế cộng đồng, sự mệt mỏi của người dân và tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều và không công bằng".
“Ở một số quốc gia, mặc dù dịch vẫn tiếp tục lây lan, nhưng các nhà hàng và câu lạc bộ đêm vẫn chật kín và chợ thì đông đúc, và ít người đề phòng" – Tiến sĩ Tedros nói thêm. Trong những điều kiện như này, "các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang quá tải và người dân bị tử vong ở nhiều quốc gia”. Theo nhà lãnh đạo WHO, kết quả này là “có thể lường trước được”. “WHO không muốn có những đợt đóng cửa hoặc phong tỏa vô tận. Tất cả chúng ta đều muốn thấy các xã hội và nền kinh tế mở cửa trở lại, du lịch và thương mại tăng lên” – Tiến sĩ Tedros tiếp tục lưu ý. Nhưng sự thư giãn này phải đi kèm với hành động.
WHO cho biết họ có trong tay các công cụ để "kiểm soát đại dịch", và mỗi quốc gia cần áp dụng chúng một cách nhất quán. Do đó, cơ quan Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên “kết hợp các biện pháp phù hợp, đo lường, nhanh và dựa trên bằng chứng, bao gồm giám sát, sàng lọc, truy tìm liên lạc, hỗ trợ kiểm dịch và chăm sóc chu đáo”.
Nói rộng hơn, người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân cần thiết để bảo đảm an toàn của họ và của những người khác. Một cách để tiếp thu tất cả những nguyên tắc cơ bản đã được chứng minh kể từ khi bắt đầu đại dịch này, bao gồm: giãn cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay và thông gió.
Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh “những biện pháp này có hiệu quả”; đồng thời nhắc lại rằng rất nhiều quốc gia đã chứng minh có thể "ngăn chặn loại virus này thông qua các biện pháp y tế cộng đồng và các hệ thống mạnh mẽ đáp ứng một cách toàn diện, nhanh chóng và nhất quán".
Hơn nữa, trong cuộc chiến chống lại loại virus Corona mới này, khi vaccine vẫn là một công cụ mạnh mẽ, WHO tin rằng chỉ riêng huyết thanh sẽ không thể kết thúc đại dịch. Tiến sĩ Tedros cho biết: “Việc phân phối vaccine không công bằng tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với khả năng kiểm soát đại dịch của chúng ta”.
Tính đến ngày 14/4/2021, gần 733,28 triệu liều vaccine chống COVID-19 đã được sử dụng tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng theo WHO, gần 90% số liều đó được chuyển đến các nước có thu nhập cao hoặc trên trung bình, trong khi các nước đang phát triển chỉ nhận được 0,2%./.