Vươn lên thoát nghèo từ những mô hình cải tạo vườn tạp
(ĐCSVN) - Với 2.325 mảnh vườn được cải tạo trong năm 2022, những mô hình cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang kiểm tra các mô hình cải tạo vườn tạp trồng rau, cây ăn quả tại thị trấn Vị Xuyên tháng 12/2021. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có 186.040 hộ, trong đó có 41.478 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,30% và 28.513 hộ cận nghèo, chiếm 15,33%.
Để tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngày 1/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ với kỳ vọng giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Để “tiếp sức” cho người dân cải tạo vườn tạp, HĐND tỉnh Hà Giang đã thông qua cơ chế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn với lãi suất 0% qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và có thể mở rộng cho các hộ khác khi hộ nghèo, cận nghèo không có nhu cầu vay vốn.
Đến nay, sau gần hai năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ người dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị với những kết quả tích cực, giúp thay đổi tư duy nhận thức của bà con về trồng trọt, chăn nuôi sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn quê hương.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thăm mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình anh Lý Văn Thu, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên. (Ảnh: Kim Tiến) |
Như tại huyện Yên Minh, khu vườn của gia đình chị Vàng Thị Mỷ, thôn Mon Vải, xã Hữu Vinh rộng gần 1.000 m2, trước đây chỉ trồng ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi gia đình được hỗ trợ 100 cây xoài giống Kim hoàng Đài Loan và phân bón theo chương trình cải tạo vườn tạp và dự án hỗ trợ sản xuất đa dạng hoá sinh kế, chị Mỷ bắt tay vào cải cải tạo vườn tạp, sắp xếp khu vực chăn nuôi, trồng trọt khoa học. Được sự hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc của cán bộ chuyên môn nên toàn bộ diện tích cây Xoài của gia đình chị đang phát triển tốt, bắt đầu ra quả.
Thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp theo tinh thần Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, huyện Yên Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và tổ chức phát động chương trình rộng rãi từ huyện đến xã. Huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 2 hộ làm trước, toàn huyện đã chọn 40 hộ ở 18 xã, thị trấn làm điểm để rút kinh nghiệm triển khai. Cùng với đó, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, mục tiêu Nghị quyết 05; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật cải tạo vườn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, hộ quy hoạch vườn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo hướng “cầm tay chỉ việc”…
Đặc biệt, huyện Yên Minh xác định việc cải tạo vườn tạp không chỉ thực hiện theo đúng định hướng, hướng dẫn của tỉnh mà phải vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Theo đó, mỗi vùng khí hậu, thổ nhưỡng, địa bàn các dân tộc và điều kiện canh tác khác nhau phải hướng dẫn người dân cải tạo vườn trồng các loại cây, rau và chăn nuôi phù hợp để sớm đem lại hiệu quả kinh tế. Với những cách làm linh hoạt và quyết liệt, kết quả sau 1 năm, huyện Yên Minh đã có 342 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp với tổng diện tích trên 234.000 m2.
Cán bộ khuyến nông xã Na Khê (Yên Minh) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây mận Tam hoa. (Ảnh: Duy Tuấn) |
Hay tại xã Sính Lủng (huyện Đồng Văn), địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán canh tác còn truyền thống, năng suất thấp, việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý. Điển hình như khu vườn của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề (xã Sính Lủng) rộng gần 4.000 m2 nhưng phần nhiều là đá nên quanh năm vợ chồng anh chỉ trồng một ít rau cải, chủ yếu vẫn trồng ngô. Có thời điểm khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bãi đất đá lại bỏ hoang. Năm 2021, dưới sức lan tỏa của Chương trình cải tạo vườn tạp, nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, gia đình anh đã quyết tâm thay đổi, đăng ký cải tạo lại khu vườn và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn vẽ sơ đồ, quy hoạch lại đất đai, lựa chọn cây giống.
Vụ đầu tiên, anh Pó trồng 200 cây mận Tam hoa và 600 cây Bắp cải, thực hiện đúng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến đầu năm 2022, gia đình anh đã thu hoạch được 3 vụ rau, trừ chi phí, mỗi vụ mang về cho anh chị 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh Pó dự định trồng xen canh rau màu để có thu nhập. Dự định sau khi cây mận phát triển mạnh sẽ nuôi thêm ong lấy mật. Hiện, số lượng rau xanh của gia đình anh tiêu thụ rất tốt, được rất nhiều thương lái đến tận vườn thu mua.
Đồng chí Vừ Thị Dính, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, cũng như gia đình anh Chứ Mí Pó, nhiều gia đình khác trong xã thấy được lợi ích từ việc cải tạo vườn tạp đã chủ động trao đổi với cán bộ khuyến nông, mong muốn được tư vấn về cây, con giống, quy hoạch vườn. Sau cải tạo, có một số vườn được đánh giá cao, mang lại thu nhập ổn định cho chủ hộ, qua đó đã lan tỏa đến đông đảo người dân trong xã, tạo khí thế lao động sôi nổi, tích cực hơn. Nhờ đó, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân vùng Cao nguyên đá, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Tại huyện Vị Xuyên, gia đình bà Thào Thị Tuyết ở thôn Lùng Càng, xã Phong Quang là một trong những hộ đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp. Nhiều năm trước, gia đình bà tiến hành cải tạo khu vườn tạp quanh nhà với tổng diện tích hơn 5.000m2 để trồng các loại rau, củ theo mùa như rau lang, bí ngô, rau mùng tơi... Việc cải tạo vườn tạp không chỉ phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng mà còn đem lại thu nhập cho gia đình. Hiện nay, bình quân hằng năm vườn rau củ mang lại cho gia đình bà Tuyết thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) cải tạo đất trồng Sâm khoai. (Ảnh: Đức Ninh) |
Vị Xuyên là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Giang triển khai Chương trình cải tạo vườn tạp. Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chương trình cải tạo vườn tạp được Vị Xuyên thực hiện theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", bảo đảm tính bền vững. Huyện chỉ đạo đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội và nòng cốt là lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở tập trung hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, gắn với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất.
Thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, huyện Vị Xuyên có tổng số 1.034/2.500 hộ đăng ký thực hiện, trong đó năm 2021 có 422 hộ thực hiện, năm 2022 có 612 hộ đăng ký thực hiện. Tổng diện tích cải tạo vườn tạp trên 80.095 m2. Song song với đó, huyện cũng nhân rộng mô hình đối với các hộ không được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh với tổng số 290 vườn; trong đó, năm 2022 đang triển khai thực hiện 95 hộ/176 hộ đăng ký với diện tích vườn đã cải tạo 189.000 m2. Xây dựng phương án hỗ trợ hộ trung bình cải tạo vườn tạp năm 2022; có 199 hộ/24 xã, thị trấn được hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/hộ có diện tích cải tạo từ 1.000 - dưới 3.000 m2 và 4 triệu đồng/hộ có diện tích cải tạo từ 3.000 m2 trở lên.
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh, năm 2022 toàn tỉnh Hà Giang có 2.325 mảnh vườn được cải tạo. Các hộ đã sử dụng vốn vay đầu tư mua cây, con giống; vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng để sửa sang chuồng trại. Hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với tổng thu nhập 36.362,6 triệu đồng, bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp. Thu nhập tăng thêm chủ yếu từ các sản phẩm rau, củ quả ngắn ngày, rau đậu các loại, cá chép, trắm, chăn nuôi và sản phẩm phụ chăn nuôi (trứng gà, con giống, thịt lợn,…). Ngoài ra, Chương trình cũng góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 2.325 người, thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang giảm 4,99%, tương ứng với 8.771 hộ; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2%. Có thể khẳng định những con số biết nói đó đã dần chứng minh hiệu quả trong nỗ lực cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc tỉnh miền núi Hà Giang.
Trong năm tới, để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh chú trọng chất lượng, rà soát chính xác các đối tượng nghèo và có giải pháp tạo sinh kế cho người dân; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Bản Díu (Xín Mần) cải tạo vườn tạp sang trồng rau cho thu nhập ổn định. (Ảnh: Kim Tiến) |
Thực hiện Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, triển khai cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đề ra là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Cải tạo vườn tạp phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, các ngành đến người dân, “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn… Tỉnh Hà Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ tương ứng với trên 6.500 vườn./.