Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vững mạnh trong lòng dân

Chủ Nhật, 27/08/2017 10:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW và Quy định số 90 -QĐ/TW. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ đối với lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý


 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội). Ảnh:TH

“Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”

Trong nhiều hội nghị, đặc biệt là trong những cuộc tiếp xúc cử tri, khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở trước việc một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất, thiếu ý chí chiến đấu, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh… Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy".

Trong thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, chưa bao giờ công tác cán bộ có những vấn đề bức xúc đang đặt ra như hiện nay. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền; bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo quản lý; nhất là tình trạng tham vọng quyền lực, tham nhũng... đang là những vấn đề "nóng" diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Điển hình là, vụ Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong sản xuất, kinh doanh, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế nhưng vẫn được đề bạt giữ chức vụ cao hơn, được quy hoạch vào chức danh diện Trung ương quản lý...

Và cũng chính vì thế mà hơn lúc nào hết, thời gian gần đây, Đảng đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đến thời điểm này, chúng ta khẳng định đã có những kết quả ban đầu. Một số đảng viên giữ cương vị lãnh đạo đã phải chịu các hình thức kỷ luật Đảng dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu. Cụ thể, gần đây nhất, đã miễn nhiệm một Thứ trưởng Bộ Công Thương, cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và xóa tư cách hai nguyên Thứ trưởng có nhiều sai phạm...

Điều đau xót ấy chả ai muốn nhưng, nói như Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 là: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”; nên dù đau xót mấy cũng phải làm. Xét cho cùng, kỷ luật cũng chỉ là bước cuối cùng khi mọi sự đã rồi và là lúc chúng ta đã mất cán bộ do quản không chặt và do chính cán bộ lãnh đạo ấy không tự tu dưỡng, rèn luyện. Và chính những cán bộ hư hỏng trong "một bộ phận không nhỏ" suy thoái ấy tuy không phổ biến nhưng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:  “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và trong 87 năm qua, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt trong nhiệm vụ xây dựng Đảng; là nguyên nhân của mọi thành công. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành các quy định Quy định trên trong thời điểm toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 càng có ý nghĩa hết sức cấp bách và thiết thực. Các quy định trên sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo. Đặt vấn đề như vậy, bởi  vì đây là lần đầu tiên trong trong một văn bản quy định của Đảng thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất về tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ đối với lãnh đạo quản lý các cấp và cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vấn đề là ý thức của các tổ chức đảng, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người làm công tác tổ chức cán bộ cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của công tác cán bộ, biến tư tưởng chỉ đạo của Đảng thành ý chí hành động trong công việc hằng ngày. Đồng thời phải công tâm, khách quan, khoa học, thận trọng, chặt chẽ trong thực thi và  không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân để sớm phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình làm sai, làm trái các quy định của Đảng về công tác cán bộ.

Những quyết định này một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt công tác cán bộ, khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác này. Đồng thời thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khi phát biểu: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Đề cao kiểm soát quyền lực bằng giám sát 

Bước đầu cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, cho rằng các quy định đã rất trúng và đúng. Tuy vậy, để hai quy định đi vào cuộc sống, trước tiên, sẽ phải luật hóa nó để có cơ sở thực hiện và đưa ra những chế tài phù hợp cho các sai phạm. Quá trình này có thể bao gồm việc bổ sung thêm vào các luật có sẵn như các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng,… hoặc xây dựng thành một luật mới. Sau đó, những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể (nghị định và thông tư đi kèm) cũng cần ra đời để đảm bảo thống nhất cách hiểu và thi hành về Quy định 89 và 90. Đặc biệt, cần đề cao vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện các quy định.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong quá trình thực hiện các quy định mới cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa đề cao lãnh đạo của tập thể, sức mạnh tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu. Đọc kỹ các quy định thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cho nên, có lựa chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng, có tâm, có tầm, có trí hay không, phải dựa vào dư luận xã hội, nhất là đánh giá của người dân.

Nhấn mạnh tiêu chí phải kiểm soát quyền lực bằng giám sát, phải dựa vào đánh giá của nhân dân để lựa chọn cán bộ, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông tin, cách đây 70 năm khi viết “Sửa đổi lối làm việc”, trong mục “Xây dựng Đảng cách mạng chân chính”, Bác Hồ đã nêu rõ phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, căn cứ vào ý kiến đánh giá của dân, dư luận của dân để tự xem xét đường lối của Đảng đúng hay sai, công tác tổ chức bộ máy có gì để chấn chỉnh. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Quy định 89, 90, các cán bộ thuộc diện trong quy định cần phải được quán triệt quy định một cách nghiêm túc nhưng đặc biệt cần quán triệt đến tất cả đảng viên cơ sở nắm chắc quy định để góp phần tăng cường giám sát, kiểm tra các đối tượng trong quy định, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.  

PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng cho rằng, phải thông tin, cảnh báo nhiều hơn. Trong đó, dưới sự giám sát của mình, nhân dân phải mạnh dạn phát hiện, cung cấp thông tin, lên án những biểu hiện sai phạm, thậm chí Trung ương phải tăng cường xử lý kỷ luật nghiêm minh hơn để kết hợp nhiều biện pháp thì mới có đội ngũ cán bộ tốt hơn để phục vụ nhân dân.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh đến trong quá trình đánh giá phải “soi xét” vào cuộc sống, gia đình, bản thân quá trình phấn đấu của người cán bộ đó. “Bây giờ nhìn thẳng vào xem ai có tham vọng quyền lực thì không dễ. Nhưng mà cả quá trình, ai cũng nhìn thấy, đã từng chạy chức chạy quyền, đã từng đút lót phong bì với cấp trên, đã từng đánh bóng mình… từ dưới lên trên, từ thấp lên cao, thì mới đánh giá hết được” – đồng chí Phạm Thế Duyệt nêu rõ.

Lòng dân đang kỳ vọng vào Đảng, mong muốn Đảng quyết liệt hơn trong việc làm trong sạch bộ máy, quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Đó là sức mạnh của lòng dân, là kỳ vọng người dân nhìn vào Đảng của mình. Vì vậy, để Đảng mãi vững mạnh trong lòng dân thì Đảng phải nhất quán, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng và các quy định trên, thể hiện lời nói đi đôi với việc làm và nêu gương trước nhân dân.../.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN