Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vụn Atr - Nơi chắp cánh sáng tạo cho người yếu thế

Thứ Sáu, 04/10/2024 14:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Du khách xa gần đã từ lâu biết đến và say đắm những sản phẩm lụa của Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Nhưng ít ai biết rằng nơi đây vẫn còn những sản phẩm khác không kém phần quyến rũ, lại được sản xuất từ những phế phẩm tưởng chỉ có thể bỏ đi. Và đặc biệt, những sản phẩm này lại được sản xuất từ bàn tay của những “nghệ nhân” khuyết tật…

Đó chính là những sản phẩm tạo hình những bức tranh ghép, với nhiều chủ đề khác nhau, từ tranh nghệ thuật dân gian, truyền thống đến tranh hiện đại; bên cạnh đó là các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như: Túi vải, bộ trò chơi, tranh ghép, bưu thiếp vải... Những sản phẩm rất tinh xảo và tuyệt đẹp, với nhiều màu sắc rực rỡ và được làm từ các mảnh vải lụa thải ra khi cắt may các tấm lụa để tạo ra quần áo, khăn mũ…  Người sản xuất ra những sản phẩm này chính là những người khuyết tật (NKT), Hội viên Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, thành viên của Hợp tác xã (HTX) Vụn Art, với người sáng lập là anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông.

Anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art.

Đến thăm HTX Vụn Art tại làng nghề Vạn Phúc vào một buổi chiều, chúng tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú được chứng kiến một không gian thật sống động trong xưởng sản xuất là một ngôi nhà khá rộng bằng kính, mà ở đó có nhiều “nghệ nhân” khuyết tật đang miệt mài lao động. Tất cả đang say mê làm việc với các công đoạn ghép tranh vải.

Được biết, “Vụn Art” là một mô hình kinh tế tập thể, được sáng lập năm 2017, bởi ý tưởng và nỗ lực của anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Bản thân anh cũng là một người khuyết tật. Theo anh Lê Việt Cường, Vụn Art có sứ mệnh: “Tái sử dụng vải vụn đặc biệt lụa Vạn Phúc, tạo nên những sản phẩm độc đáo và mang đậm tính nghệ thuật. Lấy việc kinh doanh các sản phẩm văn hóa sáng tạo để tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếu thế, trong đó có NKT, từ đó tạo động lực cho họ hòa nhập cộng đồng, chủ động và tự lập trong cuộc sống. Kết hợp với Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc để giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc và những giá trị văn hóa dân gian của Việt Nam”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Cường cho biết: Hồi nhỏ, anh bị cơn sốt cao dẫn đến khuyết tật vận động. Được gia đình chăm sóc và do nỗ lực bản thân, anh cố gắng học tập đến bậc liên thông đại học. Ra trường đi làm, cố gắng hoạt động qua nhiều môi trường, anh cảm nhận và thấu hiểu những yếu thế, vất vả, khó khăn mưu sinh của NKT trong cuộc sống. Bởi vậy, anh nung nấu ý định phải làm gì đó giúp những người cùng cảnh ngộ như mình có được một việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định để trang trải trong cuộc sống.

Vốn sinh sống tại làng nghề lụa Vạn Phúc, anh Cường phát hiện ra một điều, vải lụa vụn ở các xưởng sản xuất thường được bỏ vào các thùng rác, nếu có thể tận dụng để làm nên các sản phẩm hữu ích thì vừa đỡ lãng phí, bớt gây ô nhiễm môi trường, lại tạo nên một công việc phù hợp với sức khỏe của NKT. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng thành lập HTX Vụn Art…

Tranh dân gian "Đám cưới chuột" ghép vải của Vụn Art.

Sau đó, anh Cường đã đi học hỏi về kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật. Khi nắm được một số kiến thức ban đầu, anh đi khắp địa bàn quận Hà Đông, liên hệ với những người khuyết tật và vận động họ tham gia HTX. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn, do nhiều NKT còn e ngại, chưa tin tưởng, dần dần cũng có một số người tham gia. Dù còn nhiều thiếu thốn, anh Cường vẫn cố gắng tổ chức các điều kiện ăn ở, hướng dẫn công việc cho các thành viên để họ yên tâm làm việc.

Thời gian này, anh Cường đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của các nữ họa sĩ Nguyễn Thu Huyền và Đặng Thị Khuê. Với sự hướng dẫn trực tiếp của hai họa sỹ, anh Cường và các xã viên HTX Vụn Art đã dày công học tập, thực hành từng công đoạn làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán… phù hợp với nhận thức năng lực của từng xã viên, để hoàn thành nên những bức tranh vải ghép đầu tiên.

Khách tham quan phòng tranh chân dung tinh xảo, được ghép bằng vải vụn. 

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu mới thành lập, các xã viên chưa thành thạo với công việc, sản phẩm chưa thật sự bắt mắt, nên không có khách mua. Gần một năm sản xuất, Vụn Art vẫn không có doanh thu. Anh Cường phải trực tiếp đi khắp các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, trường học, các địa điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để “chào hàng”. Cạnh đó, do được cải tiến mẫu mã, các sản phẩm của Vụn Art bắt đầu khẳng định được giá trị độc đáo của mình. Đồng thời, các cấp chính quyền quận Hà Đông cũng có những chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực trong việc tạo điều kiện quảng bá sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ của địa phương, dần dần các sản phẩm của Vụn Art đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Sau 3 năm thành lập, HTX Vụn Art bắt đầu có những bước phát triển mới, sản phẩm làm ra được đón nhận. HTX đã bán được hàng nghìn sản phẩm cho khách hàng, đem lại việc làm và thu nhập ngày càng ổn định cho gần 40 lao động là NKT. Hơn thế nữa, nơi đây không chỉ là nơi làm việc, mà còn là ngôi nhà chung của  những mảnh đời yếu thế, giúp cho họ vươn lên hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc như những người bình thường trong xã hội.

Đông đảo du khách nước ngoài tới thăm quan và trải nghiệm ghép tranh. 

Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, HTX còn mở rộng hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển “tour du lịch trải nghiệm văn hóa”, thu hút giới trẻ, học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm làm tranh ghép lụa. Đa số du khách đều thích thú khi được tự tay làm ra sản phẩm tranh ghép lụa và đánh giá cao mô hình của HTX, đặc biệt khi biết thêm rằng mô hình này đã giải quyết được việc làm cho nhiều NKT.

Những năm gần đây, anh Cường cùng tập thể các xã viên còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm tiêu dùng mới như làm túi vải lụa hoa, trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải làm phong phú thêm các sản phẩm của Vụ Art, mở rộng thị trường. HIện tại, HTX ngày càng thêm những bước phát triển mới, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2019, HTX đã có các sản phẩm như: Tranh ghép vải, túi xách, áo phông, kít ghép tranh, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội, đồng thời được trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện lớn và các địa điểm trong thành phố.

Khách tham quan tặng hoa chúc mừng HTX.

Năm 2023, anh Lê Việt Cường, với sản phẩm “Bức tranh ruộng bậc thang”, đã được nhận giải Ba “Giải thưởng Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức.

Nói về hướng phát triển thời gian tới của HTX, anh Lê Việt Cường chia sẻ: Hiện tại, chưa có cơ sở nào khác trong nước sử dụng chất liệu vải vụn sản xuất thành sản phẩm. Đây chính là ý tưởng sáng tạo của những người khuyết tật Hà Đông. Không những thế, hiện HTX đang nỗ lực mở rộng mô hình, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, phát triển theo hướng bền vững. Do đó, HTX mong muốn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều người yếu thế hơn nữa; và có chính sách ưu tiên, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm tái chế mang đậm tính văn hóa dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện giúp cho HTX ngày càng phát triển bền vững./.

Đào Nguyên Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN