Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển
(ĐCSVN) - Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, 1.400 hộ gia đình ven biển Sóc Trăng đã được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp và ngắn hạn 1 năm để bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới rừng và hơn 100 ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo với tỷ lệ sống của cây trồng mới cao, tỷ lệ hấp thu carbon của cây rừng tăng mạnh.
Các đại biểu tham dự Lễ tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long - giai đoạn 1". |
Ngày 22/11, tại Thị ủy Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu phối hợp với Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Tổng kết Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 1”.
Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 1” hướng tới việc giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của các cộng đồng ven biển tại Sóc Trăng.
Sau gần 3 năm thực hiện, từ tháng 6/2022 - tháng 11/2024, dự án đã mang lại nhiều tác động tích cực đến đời sống của người dân tại 3 xã triển khai gồm Lạc Hòa, Vĩnh Hải và Lai Hòa. Theo đó, có 105ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo mới với tỷ lệ sống của cây trồng mới rất cao, đạt 95%; tỷ lệ hấp thu Cacbon của cây rừng tăng 22,8%; 1.400 hộ gia đình đã được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp và ngắn hạn 1 năm để bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới rừng, thu nhập trung bình tăng 40%; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm 85,7%.
Từ nghiên cứu của dự án, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm carbon rừng ngập mặn theo Quyết định số 316/QĐ-LN-SXLN ngày 29/10/2024. Đây là hướng dẫn chuyên môn đầu tiên về lĩnh vực này được ban hành và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, lần đầu tiên người dân tự biết cách đo mức độ thu hút carbon từ các loài cây khác nhau trong rừng ngập mặn, tạo ra nền móng cơ bản cho việc đưa ra hướng dẫn cách đo carbon trong rừng ngập mặn cho các hộ gia đình dựa vào sinh kế liên quan đến rừng.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu trao tặng giấy khen của UBND thị xã Vĩnh Châu cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham gia Dự án. |
Phát biểu tại lễ tổng kết dự án, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trần Văn Khiêm nhận định: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, đặc biệt là các cộng đồng ven biển, dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về sinh kế, xã hội cho cộng đồng sinh sống trong các vùng đệm thông qua khoán rừng cho người dân để nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đánh giá, kết quả dự án đã góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trên lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050; mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, hỗ trợ cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập dưới tán rừng cho người dân ven biển, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển rừng và khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ven biển; góp phần tăng độ che phủ rừng vào năm 2025 và 2030 đạt trên 3%./.