Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi!

Thứ Sáu, 06/01/2023 14:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sự việc một vị khách nước ngoài bị gợi ý trả tiền “tip” cho thủ tục xuất cảnh tại cửa ngõ quốc tế Nội Bài không chỉ là nỗi xấu hổ, mà còn phá tan đi những nỗ lực gây dựng hình ảnh về một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách.

Thông tin một vị khách người Singapore bị đòi tiền "tip" (tiền boa) khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay Nội Bài đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Cụ thể, theo bài đăng trên trang Facebook cá nhân, anh Kugan Pillai, quốc tịch Singapore vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội về Singapore ngày 2/1. Khi qua khu vực cửa khẩu sân bay Nội Bài để làm thủ tục xuất cảnh, một nhân viên an ninh đã để lại lời nhắn trên vé máy bay của anh bằng chữ viết tay có nội dung: "tip". Khi đó, nhân viên xuất cảnh đang giữ hộ chiếu của Kugan.

Ảnh cắt từ trang Facebook của tài khoản Kugan Pillai.

“Do không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và cũng đang vội với chuyến bay của mình, tôi đã nhượng bộ anh ta bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi đã thông báo cho MFA (Bộ Ngoại giao) của Singapore về điều này” – anh Kugan Pillai viết.

Cuối bài đăng, tài khoản này gắn thẻ các trang Facebook có tick xanh của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM. Đến nay, bài đăng đã có trên 10.000 lượt chia sẻ, hơn 18.000 lượt tương tác.

Ngày 5/1, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết đã đình chỉ nhân viên an ninh nghi có liên quan đến vụ việc nhằm xác minh, giải quyết nghi vấn. Sự việc tuy chưa có kết luận chính thức, tuy nhiên “không có lửa làm sao có khói”. Nếu đúng như những gì mà vị khách kia phản ánh, thì đây là sự việc rất đáng buồn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Ai cũng biết rằng mỗi vị khách quốc tế đến Việt Nam nếu không phải là đi công tác thì cũng là khách du lịch – những người đã hoặc sẽ mang lại nguồn thu cho đất nước. Do đó, việc tạo những ấn tượng tốt hay xấu với những vị khách này trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế.

Ở những sân bay, cảng, cửa khẩu quốc tế - nơi cửa ngõ ra vào của đất nước – thì người đầu tiên và người cuối cùng mà những vị khách quốc tế gặp khi đến và đi là những nhân viên phục vụ. Những nhân viên này đại diện cho pháp luật, thực hiện công tác kiểm soát an ninh an toàn; họ cũng đại diện của đất nước khi chào đón hoặc tạm biệt những vị khách quốc tế. Như vậy, họ không chỉ phải thực hiện nhiệm vụ, mà còn phải tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Chắc hẳn rằng, ở những vị trí công việc như vậy, họ không chỉ được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, họ còn nằm lòng đạo đức công vụ, quy tắc giao tiếp ứng xử, nguyên tắc ngoại giao... Nhân viên an ninh đòi tiền “tip” là hành vi vòi vĩnh, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi, tham nhũng “vặt”, vi phạm đạo đức công vụ. Hành vi ấy tạo nên ấn tượng rất xấu với người nước ngoài, và vô hình chung tạo nên ác cảm và đánh giá phiến diện về tình hình chung của đất nước ta.

Hành vi của nhân viên an ninh kia trên thực tế không quá nghiêm trọng, nhưng để lại hậu quả rất lớn bởi đã mang lại cảm giác tồi tệ cho du khách khi nghĩ rằng mình bị “bắt chẹt” nơi đất khách quê người. Có thể trước đó, vị khách này đã có quãng thời gian tuyệt vời ở Việt Nam, nhưng hành động của nhân viên kia đã gây nên "cú sốc" xóa nhòa tất cả những ấn tượng đẹp nơi này. Và bất cứ ai gặp trường hợp này cũng sẽ có tâm lý bực bội, coi đây là một điểm đến không an toàn và sẽ không bao giờ muốn quay lại. Và thực tế là, sự việc đã được quá nhiều người quan tâm, chia sẻ, thậm chí có những bình luận vô cùng tiêu cực về đất nước và con người Việt Nam.

Những năm gần đây, chúng ta luôn cố gắng cải thiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trước mắt bạn bè thế giới; thực hiện chiến lược phát triển đất nước theo hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư thương mại ở nước ngoài; quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là điểm đến an toàn, môi trường đầu tư minh bạch, con người Việt Nam thân thiện, mến khách...; ngành du lịch Việt Nam phấn đấu xây dựng hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng, văn hoá, văn minh du lịch. Đất nước ta có thể chưa giàu có, cơ sở hạ tầng chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng những yếu tố an toàn, thân thiện, minh bạch, thuận lợi đã khiến nhiều nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài có niềm tin tìm đến. Và thực tế là Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cả trong đầu tư và du lịch. Nhưng những hành động xấu xí như trên đã trở thành “cú đạp” phá tan đi bao cố gắng của cả một hệ thống đang hết sức nỗ lực gây dựng, tạo dư luận xấu có thể khiến các nhà đầu tư, du khách cân nhắc lại lựa chọn của mình, thậm chí còn ảnh hưởng đến thể diện quốc gia với bạn bè quốc tế.

Có thể sự việc trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng rõ ràng đã gây ra những hệ lụy vô cùng lớn, trước tiên là làm thay đổi suy nghĩ, cách đánh giá của khách nước ngoài về một đất nước Việt Nam vốn thân thiện, hiếu khách. Vụ việc cần phải được xử lý nghiêm minh làm bài học cho những kẻ chỉ vì lợi ích bản thân mà sẵn sàng trà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, không để tái diễn những hình vi xấu xí làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” không chỉ đúng đối với người làm dịch vụ. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta tạo dựng hình ảnh tốt đẹp nhằm thu hút đầu tư, tiến tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

Thương Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN