Vụ việc xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “Bảo Xuân”: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã kháng nghị
(ĐCSVN) - Từ năm 2010, Công ty TNHH Dược Phẩm Ích Nhân (Lô A18/D7 Khu đô thị mới Cầu Giấy - Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội) phân phối sản phẩm Bảo Xuân dưới dạng thực phẩm chức năng phục vụ cho sức khỏe và sắc đẹp phụ nữ. Công ty cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của sản phẩm này và đã được cục SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận cấp giấy chứng nhận số 172843 theo QĐ số 37785/QĐ-SHTT ngày 3/10/2011.
Khi sản phẩm Bảo Xuân được lưu hành trên thị trường, doanh số bán hàng của công ty Ích Nhân đã tăng trưởng nhanh chóng, hệ thống bán hàng của sản phẩm Bảo Xuân có mặt ở cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, năm 2012 một địa chỉ khác là cơ sở Ngân Anh (Ấp Đông Thuận- Đông Thạnh- Châu Thành- Hậu Giang) lại tung ra thị trường nhiều loại sản phẩm cũng làm đẹp cho phụ nữ như Ích Nhân, nhưng lại rất “lười” suy nghĩ cho việc đặt tên cho sản phẩm của mình bèn lấy luôn nhãn hiệu “Bảo Xuân” của công ty Ích Nhân dập lên bao bì sản phẩm. Với việc này, Công ty Ích Nhân thấy mình bị xâm phạm nhãn hiệu liền khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc:
Ngày 8/10/2012, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành giám định và có kết luận số HN 294-12 YC/KLGĐ khẳng định cơ sở Ngân Anh đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.Theo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu do Cục SHTT quản lý, đối tượng bị xem xét là dấu hiệu “Bảo Xuân” và dấu hiệu “Bảo Xuân và hình” được trình bày trên vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm: Kem dưỡng da, tái tạo, phục hồi; kem trị nám tàn nhang, đồi mồi; kem trị mụn nám trắng da; kem trị mụn xóa thâm, liền sẹo như thể hiện lần lượt tại mẫu giám định được sản xuất tại cơ sở Ngân Anh không phải là đối tượng được bảo hộ và cũng không phải là đối tượng được chuyển giao...”.
Ngày 22/1/2016, Viện Khoa học SHTT đã có kết luận giám định số NH018-16YC/KLGĐ, với nội dung: “Dấu hiệu “Bảo Xinh và hình” trình bày trên bao gói sản phẩm kem dưỡng trắng da ngăn ngừa mụn của Cơ sở Ngân Anh, là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 172843 của Công ty Ích Nhân”.
Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tỉnh Hậu Giang khẳng định, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang và Cục Quản lý thị trường-Bộ Công Thương đều chung kết luận: Cơ sở Ngân Anh đã có hành vi vi phạm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bảo Xuân đang được bảo hộ của Công ty Ích Nhân.
Từ tháng 7/2015, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Cơ sở Ngân Anh khẩn trương thu hồi các sản phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân do đơn vị sản xuất đang lưu thông trên thị trường để tiêu hủy; đồng thời ngừng việc sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có gắn nhãn hiệu Bảo Xuân tại địa bàn tỉnh.
Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều nhà thuốc có bán mỹ phẩm Bảo Xuân của Ngân Anh. Từ năm 2013 đến 2015, đã có nhiều cơ sở ở Hà Nội bị xử phạt vi phạm hành chính như: Quầy thuốc số 104 (số 1, Nguyễn Huy Tưởng); Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Như Thủy (phố Tuệ Tĩnh)...
Ngày 20/5/2013, Đội quản lý thị trường số 14, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã gửi thông báo yêu cầu các công ty, nhà thuốc, các hộ kinh doanh không được tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm có nhãn hiệu Bảo Xuân do cơ sở Ngân Anh sản xuất…
Ngày 10/6/2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xinh, hình”, trình bày cách điệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xuân, hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Ích Nhân. Theo kết luận xử lý vi phạm “đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp”.
Ngày 27/7/2011, cơ sở Ngân Anh đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân tại Cục SHTT. Sau nhiều lần kiểm tra, xác minh, ngày 26/5/2015, Cục SHTT đã ra quyết định số 11692/QĐ-SHTT từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số đơn 4-2011-15391 của cơ sở Ngân Anh. Trong quyết định từ chối cục SHTT nêu rõ căn cứ và lý do từ chối:
Điều 74.2 e) Luật sở hữu trí tuệ: Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 74.2 g) Luật sở hữu trí tuệ: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.
Do không đăng ký được nhãn hiệu Bảo Xuân cho sản phẩm của mình, cơ sở Ngân Anh khởi kiện cục SHTT. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/9/2015, đại diện Cục SHTT vẫn giữ nguyên quan điểm tại Quyết định số 11692/QĐ-SHTT, song tòa sơ thẩm Hậu Giang lại cho rằng Sản phẩm Bảo Xuân của công ty Ích Nhân thuộc danh mục thực phẩm chức năng do cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế quản lý; còn sản phẩm Bảo Xuân của cơ sở Ngân Anh do Phòng quản lý mỹ phẩm sở Y tế quản lý… nên hai sản phẩm nằm ở hai danh mục khác nhau không thể xâm phạm nhãn hiệu của nhau. Cuối cùng tòa Hậu Giang xử cho cơ sở Ngân Anh thắng kiện. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của cơ sở Ngân Anh.
Trong Quyết định số 69/QĐKNPT-P10 của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Hậu Giang nêu rõ: “Căn cứ vào các chứng cứ được thể hiện trong hồ sơ vụ kiện, các chứng cứ mà đương sự cung cấp tại phiên tòa và kết quả giám định đã nêu có căn cứ để xác định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho Cơ sở Ngân Anh là có căn cứ”. “Quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án số 13/2015-HC-ST ngày 22/9/2015 của TAND tỉnh Hậu Giang theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị TAND Tối cao xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Cơ sở Ngân Anh, giữ nguyên Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT”. Cũng vậy, cục Sở hữu trí tuệ lập tức kháng cáo. Trong đơn kháng cáo nêu rõ: bản án do TAND tỉnh Hậu Giang tuyên không khách quan, thiếu căn cứ. Tòa án đã không xem xét toàn diện và đầy đủ các chứng cứ trong hồ sơ và do đương sự cung cấp tại phiên tòa. Tòa cũng không xem xét các bằng chứng khác có trong hồ sơ giải quyết đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ sở Ngân Anh. Cụ thể, các bằng chứng thể hiện nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa từ trước ngày nộp đơn của Cơ sở Ngân Anh. Đây là các bằng chứng quan trọng để Cục SHTT áp dụng Điều 74.2g, Luật Sở hữu trí tuệ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu.
Theo Cục SHTT, cách thức diễn giải của tòa án về sự khác nhau giữa sản phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân và sản phẩm mang dấu hiệu “Bảo Xuân” của Cơ sở Ngân Anh là không đúng, không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành tại mục 39.9b của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Hai sản phẩm thực tế có cùng bản chất làm đẹp và có cùng các kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng thuốc. Điều này được chứng minh thông qua các biên bản kiểm tra, hàng loạt cửa hàng có sản phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt từ năm 2012 đến nay.
Theo luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa (181/3 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5,Quận 3, Hồ Chí Minh) “Việc Tòa án Hậu Giang dựa trên việc phân loại vào hai (02) nhóm khác nhau của danh mục sản phẩm để cho rằng sản phẩm của Công ty Ích Nhân và Cơ sở Ngân Anh là khác nhau là nhận định phiến diện bởi vì việc phân loại hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu theo Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm và dịch vụ là để sắp xếp thông tin nhãn hiệu phục vụ cho mục đích đăng ký, tra cứu và quản lý nhãn hiệu, việc phân loại này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc đánh giá khả năng phân biệt, đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu”
Luật sư Hương cũng cho biết thêm: Để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và của cả các nước khác trên thế giới đều ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu trùng nhau cho sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hoặc có liên quan với nhau, thí dụ trong lĩnh vực hàng không, châu Âu có hãng máy bay Airbus thì sẽ không có một hãng sản xuất động cơ nào được lấy tên Airbus đặt cho động cơ cho dù máy bay và động cơ là hai sản phẩm khác nhau được phân vào hai nhóm sản phẩm khác nhau. Tương tự, đã có thương hiệu TRƯỜNG SINH cho sản phẩm sữa (sữa đặc có đường) thì sẽ không có sữa đậu nành TRƯỜNG SINH do một hãng khác sản xuất cho dù sữa và sữa đậu nành nằm trong hai nhóm phân loại sản phẩm khác nhau.
Chúng ta sắp phải hội nhập trọn vẹn với ASEAN, APEC, TPP… với sân chơi rộng lớn này thì việc bảo vệ quyền SHTT luôn luôn được mọi quốc gia đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc vi phạm Luật SHTT kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chân chính cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc này./.