Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vụ việc ở số 9 phố Yên Ninh (Hà Nội): Đừng để người dân chờ...mãi!

Thứ Hai, 14/12/2015 17:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (trú tại số 9 phố Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) liên tục gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền quận Ba Đình và Thành phố để khiếu kiện về vấn đề nhà đất, việc xây dựng trái phép, gây ô nhiễm khu tập thể. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề bà Tâm yêu cầu.

Căn nhà 9 phố Yên Ninh đang bị ảnh hưởng nặng từ các bể phốt chung và việc lấn chiếm của
 các nhà hàng xóm khiến cho gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tâm
 phải bỏ không nhà để đi thuê chỗ khác ở. 
 Ảnh PV

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Minh Tâm, trước đây, bà cùng chồng là ông Nguyễn Hảo Tú - nguyên cán bộ Văn phòng Quốc hội, là người có công với cách mạng, sống tại tòa nhà 23 Quán Thánh (Quận Ba Đình, Hà Nội). Đến năm 1985, UBND Quận Ba Đình thu hồi xây nhà chung cư 5 tầng.

Theo Quyết định số 1661 ngày 19/10/1989 của UBND quận Ba Đình, gia đình bà được phân cho thuê 26m2 tại tầng 1 ngôi nhà số 9 Yên Ninh. Tuy nhiên, bà Tâm đã phát hiện ra diện tích thực tế được thuê tại đây chỉ là 22m2 không như nội dung Quyết định. Sau khi phát hiện việc thiếu hụt diện tích nhà, bà Tâm đã phản ánh vụ việc đến các cấp chính quyền. Báo cáo của Thanh tra TP. Hà Nội, Sở Xây dựng cũng xác nhận việc thiếu hụt diện tích là do quá trình quản lý, đo đạc thiếu chính xác. Vì vậy từ nhiều năm nay, bà phải gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Sống cùng căn nhà số 9 Yên Ninh có gia đình bà Nguyễn Thị Cúc. Gia đình bà Cúc cũng được UBND Quận Ba Đình cho thuê 36m2 tại tầng 2 và 6m2 diện tích phụ tại tầng 1 của căn nhà số 9 Yên Ninh.

Theo bà Tâm, diện tích khu phụ của nhà bà Cúc nằm ngay sát bức tường phía cuối nhà bà, chính là phần diện tích phân thiếu cho bà Tâm. Ngoài ra, tại diện tích phụ này, gia đình bà Cúc tiếp tục cải tạo thành nhà vệ sinh riêng và hố ga tự hoại gây tắc ứ, vỡ ống nước khiến gia đình bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Tâm đã liên tục gửi đơn thư khiếu kiện tới các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết về việc thiếu diện tích của gia đình bà, cũng như việc gây ô nhiễm môi trường của gia đình bà Cúc, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Năm 1998 – 2000, bà Tâm tiếp tục gửi đơn thư khiếu kiện tới các cơ quan chức năng về việc: Gia đình bà Cúc xây dựng trái phép tầng 3 trên diện tích 36m2 tầng 2 mà gia đình bà Cúc đang được thuê; Gia đình bà Khanh là người cùng thuê trong căn nhà số 9 Yên Ninh đã lấn sân xây thêm 3 tầng ở khoảng không và ngăn một phần sân sử dụng riêng, chồng thêm tầng trên nhà cũ và công trình phụ tại đây. Tổng xây thêm là khoảng 80m2.

Việc xây dựng của hai gia đình trên đã làm cho toàn bộ căn nhà bị lún, nứt, vỡ bể phốt, cống rãnh đứt gãy, môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm. Tuy rằng Xí nghiệp Nhà Ba Đình đã sửa chữa nhiều lần, nhưng môi trường sống tại đây vẫn không được cải thiện, gia đình bà Tâm phải chuyển đi nơi khác ở tạm.

Bà Tâm đã gửi nhiều đơn phản ánh đến cơ quan chức năng quận Ba Đình về vấn đề này nhưng không được giải quyết thỏa đáng. UBND quận Ba Đình còn thống nhất với đề xuất của UBND phường Trúc Bạch và các phòng, ban chức năng báo cáo UBND TP. Hà Nội cho phép công trình vi phạm trật tự được tồn tại. Bà Tâm nhấn mạnh: Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã không giải quyết vụ việc một cách triệt để, gây bức xúc và khó khăn cho gia đình bà cho đến tận hôm nay.

Bên trong căn nhà bà Tâm bị thấm nước, lún sụt, ô nhiễm do do bị ảnh hưởng nặng
 từ việc lấn chiếm của các nhà hàng xóm. Ảnh PV

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Minh -  Phó chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết: Việc khiếu kiện của bà Tâm tại số nhà trên đã diễn ra từ rất lâu. Bà Tâm có gửi đơn tới các cơ quan như: UBND phường Trúc Bạch, UBND Quận Ba Đình, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thanh tra Chính phủ. Hầu hết các cơ quan chức năng đều có văn bản chỉ đạo cũng như cử các đoàn kiểm tra phối hợp cùng UBND phường xuống giải quyết, sau đó có kết luận và trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, phía bà Tâm vẫn không đồng tình.

Đối với vấn đề phân nhà thiếu diện tích so với quy định, ông Minh cho biết, UBND phường không quản lý việc này. Việc phân nhà của bà Tâm thực hiện theo Nghị định 61 của Chính phủ (nhà thuộc sở hữu của nhà nước), như vậy việc khắc phục phải theo quy định của Xí nghiệp Nhà.

Khi chúng tôi hỏi về trường hợp gia đình bà Cúc và bà Khanh xây dựng trái phép tại số nhà này, ông Minh cho biết: Việc gia đình bà Cúc xây dựng chồng thêm tầng 3 tại đây đã xảy ra từ cách đây hơn chục năm. Tại thời điểm này, trên địa bàn TP. Hà Nội, tình trạng cơi nới trái phép là khá nhiều, nhưng tại thời điểm đó, chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn xảy ra những việc như trên. Còn việc bà Cúc cho thuê nhà dẫn đến tình trạng ồn ào, ô nhiễm môi trường sinh hoạt chung, phía UBND phường đã giao Công an phường Trúc Bạch kiểm tra, và Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đoàn kiểm tra kết hợp cùng UBND phường Trúc Bạch xuống kiểm tra thực tế và có các văn bản trả lời.

Để tìm hiểu kỹ hơn tình hình và thực tế, chúng tôi có tiếp xúc với một số hộ dân quanh khu vực nhà số 9 Yên Ninh.

Bà Nguyễn Thị Thái - Bí thư khu dân cư số 8, phường Trúc Bạch cho biết: Tôi thấy nhiều đoàn kiểm tra tới làm việc, đo tình trạng ô nhiễm tại đây, nhưng đến nay vẫn không giải quyết dứt điểm được sự việc.

Cũng trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Mạnh Tuấn, trước đây là Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: Gia đình bà Tâm thuộc thành phần trí thức, sau khi được phân về thuê tại đây, do sai sót trong quyết định phân nhà, bà Tâm đã liên tục gửi đơn khiếu kiện tới các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết vụ việc. Bản thân tôi  đã nhiều lần cùng các đoàn kiểm tra xuống làm việc tại đây. UBND Phường Trúc Bạch cùng tổ dân phố đã từng tổ chức họp, nhằm tháo gỡ và hòa giải với hộ gia đình, nhưng đến nay vẫn không đạt được kết quả khả quan.

Qua sự việc của gia đình bà Tâm cho thấy, chính quyền địa phương chưa vận dụng đầy đủ các quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm những vấn đề bà Tâm đã khiếu nại.  Từ đây, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Tại sao các hộ dân cơi nới nhà bất hợp pháp tại nhà số 9 Yên Ninh, gây lún sụt, ô nhiễm khu vực tập thể, nhưng UBND quận Ba Đình vẫn không giải quyết triệt để, để rồi chấp nhận cho tồn tại?

Hiện tại, hoàn cảnh của gia đình bà Tâm đang rất khó khăn, vừa tiếp tục đi kiện, vừa phải đi  “ăn nhờ ở đậu”, do nhà bị ảnh hưởng nặng từ các bể phốt chung và việc lấn chiếm của các nhà hàng xóm...

Chúng tôi đề nghị UBND quận Ba Đình, TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo pháp luật những vấn đề bà Tâm đã khiếu kiện, kêu cứu từ nhiều năm nay./.

                                                                                                                                                   Nhóm PV điều tra

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN