Vụ móng cột điện cao thế bị nghi làm bằng bê tông trộn đất: Cần làm rõ, xử lý nghiêm!
(ĐCSVN) - Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải ý kiến người dân tố cáo vụ việc móng cột điện cao thế làm bằng bê tông trộn đất. Mong các cơ quan có trách nhiệm sớm điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.
Hiện trường xây dựng móng trụ cột điện cao thế 220KV tại cánh đồng Vồ bị tố cáo là có sự rút ruột.
(Ảnh: BA)
Tố cáo vì thấy quá gian trá
Anh Vũ Đức Thuận và Vũ Ngọc Hồi ở thôn An Hưng (xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định) là những người đã mạnh dạn tố cáo đơn vị thi công - Công ty cổ phần Sông Đà 11 làm ruột móng cột điện cao thế 220KV bằng cách dùng hỗn hợp đá trộn đất và cát thay cho bê tông xi măng. Hai móng cột điện này đang xây dựng tại cánh đồng Vồ của xã Đại An.
Hai anh cho biết, mấy hôm nay, ngày nào cũng có phóng viên hẹn gặp hoặc gọi điện hỏi han, khiến gia đình cứ như đang có việc lớn.
Theo lời anh Hồi, các anh tố cáo là hoàn toàn “do lương tâm thôi thúc” khi chứng kiến việc làm dối trá tại công trường. “Nghĩ tới vụ cột điện cao thế bị ngã chổng chơ trên cánh đồng ở Bắc Giang hồi tháng trước, tôi rất lo sợ”, anh Thuận chia sẻ.
Anh Thuận và anh Hồi là anh em họ, đều là nông dân chất phác. Vài năm trước, anh Hồi sắm chiếc máy trộn bê tông cỡ nhỏ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Khi ông Toản - đội trưởng đội thi công thỏa thuận đem máy tới trộn bê tông đổ móng hai cột điện cao thế tại cánh đồng Vồ với giá 1,2 triệu/ngày, anh Hồi rủ người anh họ Vũ Đức Thuận đi làm cùng. Nhiệm vụ của hai anh là vận hành máy trộn bê tông tại công trường. Trong quá trình làm, các anh đã phát hiện hành vi rút ruột công trình bằng cách dùng hỗn hợp đá trộn cát và đất múc tại ruộng để đổ vào khuôn móng thay cho bê tông xi măng, nên đã phản ánh với đội trưởng thi công nhưng họ vẫn phớt lờ. Do vậy, hai anh quyết định bỏ việc vì thấy đây là việc làm quá gian trá.
Sau một thời gian bỏ việc tại đây, hai anh thấy tốp thợ đang thi công làm móng cột điện thứ 2 cũng vẫn theo kiểu rút ruột trên, anh Thuận đã bí mật dùng điện thoại di động ghi hình lại. Theo khẳng định của anh Thuận và anh Hồi, diện tích móng mỗi cột điện khoảng 300m2, sâu 1m nhưng chỉ phần bao quanh, lớp lót đáy và trên bề mặt là được đổ bằng bê tông xi măng, còn lại lớp vữa dày chừng 70cm là hỗn hợp đá, cát và đất lẫn lộn. “Đi trộn bê tông nhiều công trình nhưng tôi chưa bao giờ thấy kiểu làm ăn ẩu như vậy”, anh Hồi nói.
Theo phân tích của anh Thuận - người trực tiếp quay clip, 300m3 móng với công suất máy trộn bê tông 30 khối/ngày cùng 18 nhân công phải mất 9 đến 10 ngày mới xong. Vậy mà họ chỉ làm chưa đến 3 ngày.
Sau khi chứng kiến và bí mật quay clip, hai anh đã phải suy nghĩ nhiều đêm xem nên tố cáo hay không tố cáo, và nếu tố cáo thì tố cáo với ai? Cuối cùng, các anh quyết định tố cáo sự việc với báo chí.
“Hoàn toàn không có chuyện dàn dựng clip để vu khống. Cơ quan chức năng cứ đào móng lên là rõ như ban ngày. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng vay mượn tiền để đào lên kiểm tra xem ai ngay, ai gian?”, anh Thuận khẳng định.
Dẫn phóng viên ra hiện trường, anh Thuận chỉ vào lỗ khoan mà người của Công ty Cổ phần Sông Đà 11 (đơn vị thi công móng cột điện) vừa lấy mẫu kiểm định, nói: Nếu chỉ lấy mẫu ở phần trụ này thì chưa chính xác, phải lấy sâu xuống phần móng bên dưới thì mới phát hiện bê tông bằng đất cát và đá. Hôm tôi quay clip còn nghe thấy họ nói với nhau: “Cứ đổ đi, sáng mai láng xi sớm ai biết đấy là đâu”.
Từ chối 100 triệu đồng “hối lộ”
Khi trao đổi với phóng viên, anh Hồi nhớ rất rõ: Ngay chiều tối 24/5, sau khi anh gửi clip tố cáo, có hai nhóm người tìm đến nhà anh để “thương lượng”. “Một nhóm đến lúc khoảng gần 4 giờ chiều. Ban đầu họ nói năng tế nhị sau đó đề nghị thẳng sẽ bồi dưỡng anh em tôi mấy chục triệu đồng tiền công nhưng tôi không nhận vì tiền công đã thanh toán trước đó rồi. Đến đêm, có đoàn 5 người lại đến nhà tôi. Họ nói chuyện tới khuya rồi đưa tôi 100 triệu đồng và muốn tôi kí vào văn bản họ soạn sẵn. Tôi trả lại tiền và từ chối ký vào cái văn bản không đúng sự thật đó. Đại ý nội dung văn bản đó nói rằng, hình ảnh xe đẩy chở đất trong clip là “mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế” chứ không phải là dùng để "đổ bê tông” như đã tố cáo.
Cũng theo anh Hồi, buổi tối hôm báo chí phản ánh sự việc, có người đàn ông mặc thường phục tự giới thiệu là công an đến nhà anh đề nghị anh cung cấp clip. Thấy người này xưng là công an nhưng không xuất trình thẻ hoặc giấy tờ gì hết nên anh Hồi yêu cầu phải thông qua công an địa phương. Sau đó người này gọi điện thoại và có chiến sĩ Công an tên là Công cùng đến. Anh Hồi giao chiếc thẻ nhớ điện thoại có clip quay lại sự việc gian dối trong đổ móng cột điện cho người giới thiệu là công an. Từ đó đến nay không thấy người này liên hệ gì.
Những người tố cáo cho biết, các anh thường xuyên theo dõi diễn biến sự việc với mong muốn cơ quan pháp luật sẽ sớm vào cuộc làm rõ.
Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ sự việc và nếu đúng như phản ánh thì cần xử lý thật nghiêm khắc những người làm ăn liều lĩnh, gian dối trên, bởi cách làm của họ sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội./.