Vụ C2, Rồng đỏ bị thu hồi: Quyền lợi người tiêu dùng sẽ giải quyết thế nào?
(ĐCSVN) - Việc công bố thực phẩm đồ uống C2 và Rồng đỏ của Công ty URC Hà Nội nhiễm chì vượt ngưỡng đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, bởi khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì đã có hàng trăm nghìn chai đồ uống nhiễm chì được bán ra thị trường. Vậy quyền lợi của người tiêu dùng sẽ giải quyết thế nào?
URC phải bồi thường thiệt hại cho người dùng đã sử dụng C2, Rồng đỏ nhiễm chì.
Ảnh: anninhthudo.vn
Hàng loạt sai phạm
Theo kết quả thanh tra Bộ Y tế công bố ngày 1/6, Công ty URC Hà Nội đã có những vi phạm hành chính sau: Kho bảo quản sản phấm Hataco và kho Lan Khoa không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra kho bảo quản Hataco, khu vực bảo quản hàng chờ hủy, hàng hư hỏng do vận chuyển không bố trí cách biệt với khi bảo quản thành phẩm.
Đặc biệt, sản xuất 02 lô sản phẩm thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017), nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX: 10/11/2015; HSD 10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, điều này đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Được biết, tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được là 3,875,244,610 đồng. Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay của Thanh tra Bộ Y tế.
Với các sai phạm trên, Thanh tra Bộ Y tế kết luận, Công ty URC Hà Nội phải nộp tổng số tiền phạt là 5,826,867,000 đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng buộc Công ty TNHH URC Hà Nội khắc phục ngay điều kiện kho bảo quản như đã nêu; Thu hồi tối đa 02 lô sản phẩm thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt nói trên để xử lý theo quy định. Báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 10/6. Tuy nhiên, công ty URC đã bán 2 lô sản phẩm với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỷ đồng không thu hồi được.
Quyền lợi người tiêu dùng sẽ tính thế nào?
Với gần 4 tỷ đồng tiền hàng của URC chưa thu hồi được sẽ tương ứng khoảng 800.000 chai C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố đã được bán ra thị trường, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã thiệt hại gần 4 tỷ đồng để mua thứ sản phẩm độc hại cho sức khỏe. Vậy vấn đề quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ra sao?.
Theo Luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Tuy nhiên, Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho biết, việc chứng minh thiệt hại thực tế của những người đã uống phải sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì là rất khó. Bởi các chi phí gián tiếp như mất khả năng lao động, mất cơ hội việc làm, thời gian... thì khó đong đếm. Trong khi, việc tích tụ chì hay kim loại khác trong cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài nên việc vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó chứng minh được.
Luật sư Nguyễn An – Công ty Luật Cộng đồng cũng nhận định: Người tiêu dùng đơn lẻ khó có thể kiện được URC bởi thực tế, rất ít người còn lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng). Họ cũng khó chứng minh được ngộ độc chì ra sao và đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua những sản phẩm không đúng chất lượng nói trên. Như vậy, việc từng cá nhân khởi kiện Công ty URC là rất khó?!
Từ những bất cập trên, luật sư Nguyễn An cho rằng, thương lượng là phương pháp giải quyết thích hợp nhất. Theo đó, một tổ chức, cơ quan nào đó nên đứng ra đại diện chung cho người tiêu dùng để thương lượng với URC. Và về góc độ thiệt hại kinh tế, gần 4 tỷ đồng không thể thu hồi có thể được xem như một căn cứ thiệt hại để thương lượng. Phương pháp giải quyết bằng thương lượng từng được áp dụng trong các vụ việc về môi trường, điển hình như vụ Công ty Vedan xả thải ra môi trường gây thiệt hại sản xuất cho nông dân. Khi đó, Hội Nông dân đã đứng ra thương lượng với Vedan./.