Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới, hướng tới phát triển bền vững
(ĐCSVN) – 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, mọi chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt. Kinh tế - xã hội tỉnh không ngừng phát triển, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Vĩnh Phúc từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc). |
Kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển, tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,1%/năm; Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (5,8%/năm); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng khá, nhất là linh kiện điện tử trở thành sản phẩm chủ lực mới, có mức tăng cao nhất. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành, nâng cao giá trị thu nhập, bước đầu thực hiện dồn thửa đổi ruộng.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra, là tỉnh nằm trong nhóm có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương và đứng trong nhóm đầu cả nước về thu nội địa.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chú trọng, phong trào xây dựng cống rãnh thoát nước trong khu dân cư diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, đem lại nhiều kết quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đến năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động tạo dấu ấn mới cho cảnh quan đô thị của tỉnh. Quy hoạch và phát triển đô thị luôn được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, năm 2018, thị xã Phúc Yên đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Nhiều xã đạt tiêu chí và được công nhận là thị trấn và đô thị loại V.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đứng thứ 5 cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện; cơ sở vật chất trường học được tăng cường đầu tư. Khoa học và công nghệ từng bước được tăng cường. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 2 nghìn lao động. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đang từng bước được cải thiện cả ba tuyến; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế tiếp tục được tinh quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, năm 2020, Vĩnh Phúc đã thành công trong việc khống chế, kiểm soát và ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, được Trung ương và cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm. Các phong trào nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện tốt; an sinh xã hội được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Công tác quân sự quốc phòng được củng cố và tăng cường. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh và có bước phát triển mới. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện việc đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được phát huy.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của Đảng được Tỉnh uỷ chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm".
Công tác dân vận đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục đổi mới trên tất cả các phương diện, ngày càng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, mối quan hệ giữa nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được giữ vững và tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQTW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021./.