Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2

Thứ Bảy, 09/01/2021 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 09/01, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự và khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2.

 

 Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 nhằm nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Dự án sẽ xây dựng thêm một cây cầu song song cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu; tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; Điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; Điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.

Dự án cũng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Rãnh thu nước, chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, sơn kẻ, biển báo, vỉa hè, lát gạch gầm cầu, dải phân cách giữa, tổ chức giao thông… và các công trình phụ trợ khác như đường công vụ, mố nhô, cầu phao, bãi tập kết vật liệu, bãi thi công dầm, trạm trộn, đường dây, trạm biến áp.

Dự án cũng có hạng mục thảm lại và tổ chức giao thông của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 để phù hợp với công tác tổ chức giao thông sau khi hoàn thành toàn bộ cầu Vĩnh Tuy gồm cả hai giai đoạn. Dự án tại quận Long Biên, quận Hai Bà Trưng, trong năm 2020-2022, tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 2.035 tỷ đồng, từ ngân sách Thành phố…

Phát biểu tại lễ khởi công Dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc của thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ khởi công. 

Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của nhà nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; thường xuyên theo dõi và kiểm tra kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực. Đặc biệt, lưu ý đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án.

Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng và Long Biên phối hợp và hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông an toàn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; quản lý chất lượng công trình xây dựng theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đúng quy định pháp luật. Các nhà thầu thi công xây dựng và đơn vị tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện đúng các cam kết; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn trong lao động…/.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN