Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu

Thứ Tư, 31/05/2023 10:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sau một thời gian triển khai, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương này, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu.

Một Hội nghị quán triệt và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” . (Ảnh: Linh Linh)

Thời gian qua, việc triển khai một số nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về việc Thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Để tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả chủ trương trên, tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Làng văn hóa kiểu mẫu, trong đó có việc định hướng có trọng điểm việc triển khai kế hoạch tuyên truyền một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030.

Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn Vĩnh Phúc thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các cơ quan, ban ngành, đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Vĩnh Phúc. Phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương ngày càng sôi nổi, lan tỏa mạnh, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của các tầng lớp nhân dân...Đến nay, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tính đến ngày 28/5, có 28 khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được phê duyệt dự án/báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; riêng đối với 02 tuyến phố đi bộ của thành phố Vĩnh Yên, hiện UBND thành phố Vĩnh Yên đã phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

 Xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. (Ảnh: Linh Linh)

Tại huyện Tam Đảo, hiện đã phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công (BVTC) - Dự toán và phê duyệt dự toán gói thầu xây dựng 05/05 Làng văn hóa kiểu mẫu. Các huyện, thành phố còn lại đang triển khai các thủ tục, hồ sơ liên quan đến lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, phê duyệt thiết kế BVTC - Dự toán thực hiện các dự án khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn.

Hiện có 10/28 Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã khởi công, xây dựng công trình, gồm: huyện Bình Xuyên có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Sông Lô có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Yên Lạc có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; thành phố Vĩnh Yên có 01 Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công xây dựng.

Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, địa phương sẽ phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nghị quyết. Đặc biệt, sẽ tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra", tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, chương trình". Đồng thời, sẽ quán triệt nghị quyết của HĐND tỉnh về tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu, cùng vào cuộc với chính quyền, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu...

 Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Kim Chiến)

Còn đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, địa phương luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

“Về mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...” – Chủ tịch Lê Duy Thành nói.

“Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025; Nghị quyết thông qua Đề án và Bộ tiêu chí về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và Nghị quyết Quy định về một số chính sách hỗ trợ thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” giai đoạn 2023-2030 của HĐND tỉnh; quán triệt triển khai Đề án của UBND tỉnh về thí điểm xây dựng mô hình Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời nâng cao vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu bằng các hình thức phù hợp, dễ hiểu để người dân nắm bắt được, cùng với chính quyền các cấp triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả cao nhất” – Đồng chí Lê Duy Thành cho biết thêm.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một chủ trương lớn của tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm các mục tiêu vừa nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa trú trọng phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ trương được triển khai đưa vào cuộc sống có rất nhiều cơ chế hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn.

Theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 05/5 2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, quy định 16 chính sách hỗ trợ, cụ thể:

Hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; Hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay; Hỗ trợ mô hình vườn sản xuất; Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; Hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Vĩnh Phúc;

Hỗ trợ lập quy hoạch; Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy gia trị di tích được xếp hạng; Hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường; Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống;

Hỗ trợ năng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Hỗ trợ quy tập các mộ riêng lẻ về nghĩa trang; Hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cánh quan; Hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đạt chuẩn do Bộ Y tế quy định; Hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.

Hồng Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN