Nâng cao vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thực hiện dịch vụ công
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Bích Liên) |
Chiều 22/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các Hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, các quy luật cung cầu của thị trường, yêu cầu lãnh đạo, quản trị quốc gia và cải cách hành chính, các dịch vụ này không chỉ do các cơ quan Nhà nước thực hiện mà có sự tham gia cung ứng dịch vụ công của nhiều ngành khác như: các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp và khu vực tư nhân được nhà nước ủy quyền (hay còn gọi xã hội hóa dịch vụ công).
Xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực và tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của nhà nước.
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, các Hội ngành toàn quốc trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, có nhiều tiềm năng và thế mạnh để tham gia cung ứng dịch vụ công, tham gia chủ trương xã hội hóa dịch vụ công của Đảng và Nhà nước.
Thực tế trong nhiều năm qua , một số Hội ngành toàn quốc đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện tham gia cung ứng thực hiện một số dịch vụ công như: Hội Mã số mã vạch Việt nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam…
Trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội trí thức từ Trung ương đến địa phương thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó đặt vấn đề các Hội tham gia dịch vụ công là một nội dung quan trọng. “Trước thực tế trên và những yêu cầu đặt ra, cần phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên”, ông Chiến cho biết.
Theo TS. Phan Đăng Sơn, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho các hội/hiệp hội đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Ở Việt Nam, việc chuyển giao như vậy đã bước đầu được thử nghiệm. Đây là xu hướng chung trên thế giới, nhất là khi các tổ chức xã hội của người dân đang ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.
Đối với Việt Nam, việc chuyển giao nhiệm vụ hành chính thuộc cơ quan nhà nước thực hiện cho hội/hiệp hội đảm đương chưa nhiều. Trong quá trình thực hiện cũng đã gặp những hạn chế, bất cập và các rủi ro. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ chủ trương thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội vào các nhiệm vụ quản lý xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
TS. Phan Đăng Sơn cho rằng, những khó khăn trong quá trình thực hiện càng cho thấy vấn đề này cần phải được nghiêm túc nghiên cứu nhiều hơn nữa. Cả hai bên Nhà nước và các hội/hiệp hội phải tiếp tục đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện việc chuyển giao nhiệm vụ này. Từ đó tìm ra hướng đi đúng tốt nhất. Đẩy mạnh sự tham gia của hội/hiệp hội trong cung ứng dịch vụ hành chính công chính là hướng tới xây dựng một nền hành chính nhỏ, gọn hiệu quả của mỗi quốc gia.
Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhất là dịch vụ hành chính công, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công.
Đồng thời, thông qua hệ thống Liên hiệp Hội cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân để người dân hiểu, ủng hộ và tích cực tham gia các dịch vụ công do các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện; huy động các doanh nghiệp là thành viên của Liên hiệp Hội mạnh dạn tiếp nhận các dịch vụ công, đầu tư nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả.
TS. Phan Đăng Sơn cho rằng, các giải pháp thực hiện tốt xã hội hóa dịch vụ công cần được triển khai đồng bộ, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý và giám sát, đến huy động nguồn lực xã hội và đảm bảo công bằng. Đồng thời, sự phối hợp giữa nhà nước, khu vực tư nhân và cộng đồng là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công trong quá trình này./.