Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị về an toàn thực phẩm

Thứ Tư, 17/08/2016 17:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.

Trái cây sạch (Ảnh: HNV)

Ngay sau khi có Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 19/3/2012 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong tình hình mới” và tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Chỉ thị đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành, thị. Sau hội nghị của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc và các xã, phường, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch học tập Chỉ thị số 08-CT/TW phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thông qua nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị cho cán bộ chủ chốt; lồng ghép vào các hội nghị của chi bộ, đảng bộ hoặc lồng ghép với những chuyên đề khác; thông qua các kỳ sinh hoạt của tổ chức, đoàn thể, của ngành... Kết quả, 100% chi, đảng bộ đã hoàn thành việc truyền đạt nội dung, tinh thần Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 19/3/2012 của Tỉnh uỷ nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh về công tác ATTP đã được nâng lên rõ rệt; đồng thời xác định VSATTP là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Vấn đề ATTP trong tình hình mới vừa là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; việc nâng cao nhận thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ và hành vi, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Đây là nhiệm vụ, tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chính sách và pháp luật về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra trong 5 năm qua được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã thành lập được 865 lượt đoàn thanh tra liên ngành, 510 lượt đoàn kiểm tra chuyên ngành. Đã tổ chức thanh, kiểm tra được trên 26000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm; tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2015 đạt tỷ lệ 81,2%, tỷ lệ cơ sở không đạt chiếm 18,8%. Số tiền phạt cơ sở vi phạm trong 5 năm trên 750 triệu đồng, có không ít cơ sở bị tịch thu, tiêu huỷ sản phẩm.

Từ năm 2011 đến nay 100% các sự kiện hội nghị, lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều được ngành Y tế tổ chức kiểm tra giám sát, bảo đảm ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho các đại biểu, du khách cũng như cộng đồng. Đặc biệt là đã bảo đảm ATTP cho các sự kiện lớn diễn ra dài ngày như: Đại hội Đảng bộ các cấp, dịp Tết Nguyên Đán, Lễ hội xuân, các hội nghị, sự kiện  trong nước và Quốc tế tại tỉnh, các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh...

Công tác chứng nhận đủ điều kiện ATTP, quản lý công bố tiêu chuẩn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm được các ngành tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Đã cấp 2198 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đạt 92,1% tổng số cơ sở  thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; đã cấp tiếp nhận công bố hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP cho 520 sản phẩm thực phẩm. Xây dựng vùng trồng trọt hàng hóa tập trung, đảm bảo ATTP, diện tích  2.336,2 ha cây rau; chỉ đạo duy trì quy trình sản xuất VietGAP cho 281 ha rau, chứng nhận VietGAP mới cho 3,6 ha. Hỗ trợ xây dựng và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP mới cho 12 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP cho 520 sản phẩm thực phẩm; hỗ trợ xây dựng hình thành 01 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, trứng gà, thịt gà đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi ATTP; xã hội hóa công tác ATTP được tăng cường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng; hoạt động truyền thông được tiến hành thường xuyên trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong 5 năm triển khai thực hiện, đã tổ chức được 166 lớp tập huấn, đánh giá xác nhận kiến thức về ATTP cho đối tượng quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP từ tỉnh tới cơ sở với tổng số 9.420 lượt người tham gia; xây dựng và phát sóng 45 chuyên mục, phóng sự truyền hình; 98 bài báo viết; 3.533 đĩa tuyên truyền; 166.500 tờ gấp; 39.984 lượt phát thanh; 1.058 băng rôn; 899 tranh áp phích truyên truyền đảm bảo ATTP.

Đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia hoạt động truyền thông về ATTP; nhất là trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, kỷ niệm các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội lớn của địa phương, trong các dịp lễ hội, tết, việc cưới, việc tang... Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Phát động phong trào sâu rộng và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về an toàn thực phẩm với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm vệ sinh ATTP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATTP của tỉnh còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh có mặt còn hạn chế. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chưa đầy đủ, hạn chế, còn thiếu trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ô nhiễm vi sinh và dư lượng các hoá chất độc hại trong thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trên thị trường lưu thông phân phối, vẫn còn những sản phẩm chưa đúng qui chế về bao gói, nhãn mác...

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả hơn nữa, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thường xuyên chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật, khoa học về ATTP để góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đưa các tiêu chí về ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến thực sự về trách nhiệm, hành vi ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện công tác đảm bảo ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về ATTP. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường đầu tư nguồn lực, đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh xã hội hoá một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm chất lượng ATTP...

Xác định công tác ATTP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội; phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, công tác ATTP của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tới đây, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh./.

 

 

Hải Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN