Vĩnh Long tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn do Trung ương, địa phương và huy động các tổ chức, nhân dân đóng góp, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư trên 3.292 tỷ đồng vào xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống giao thông nông thôn ở Vĩnh Long được đầu tư nâng cấp
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. (Ảnh: K.V)
Được biết, Vĩnh Long Là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm bước vào xây dựng nông thôn mới rất hạn chế về nguồn lực, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã đổi thay khá rõ. Ngay từ rất sớm, Vĩnh Long đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban và lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các ngành, đơn vị chuyên môn là thành viên.
Đồng thời, Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí là Tỉnh ủy viên và cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành trực tiếp phụ trách địa bàn tại 89/89 xã. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng phân công các sở, ngành theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, phân công một số doanh nghiệp hỗ trợ 22 xã điểm. Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đồng phối hợp với các ban chỉ đạo huyện khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại các xã điểm, định kỳ hằng quý, 6 tháng, một năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức các hội nghị sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, rút ra những cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khuyến khích, khen thưởng những đơn vị đạt thành tích xuất sắc, xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới rất được chú trọng. Nhiều phong trào thi liên quan mật thiết với chủ đề nông thôn mới thường xuyên được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát động, đó là phong trào: “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Theo định kỳ, các phong trào đều có sơ kết, tổng kết, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có trên 900 tập thể, trên 2.600 cá nhân đạt thành tích cao từ các phong trào được Trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng và nhân rộng kịp thời.
Với việc coi đầu tư cho giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư mới trên 644 km và cải tạo nâng cấp trên 122km đường giao thông, xây mới và sửa chữa khoảng 600 cây cầu, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Cùng với đó, Vĩnh Long đã đầu tư xây mới 85 và nâng cấp sửa chữa 2.011 công trình thủy lợi, kết quả diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh bảo đảm thủy lợi hoàn chỉnh, đạt 92%, tăng 8,5% so với năm 2010.v.v…
Được biết, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2017 có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2020 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại tăng ít nhất 1 tiêu chí/năm trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Vĩnh Long cần tới sự trợ giúp từ phía Trung ương, đó là tăng kinh phí đầu tư cho chương trình này, trong đó, ưu tiên tăng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nâng hạn mức phân bổ vốn sự nghiệp Chương trình để hỗ trợ, đầu tư thích đáng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả cao nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Vĩnh Long thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn..., ngoài ra, xuất phát từ thực tế của địa phương, tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh địa bàn ưu đãi đầu tư. Theo đó, đề nghị điều chỉnh huyện Trà Ôn từ địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sang địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và bổ sung các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân, Tam Bình là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn./.