Vĩnh Long phát triển thủy sản theo hướng đa dạng hóa
Năm nay, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt giá trị sản xuất thủy sản khoảng 2.450 tỷ đồng, với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 112.500 tấn trên diện tích thả nuôi 2.550 ha. Tỉnh sẽ chú trọng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm.
Để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu, tỉnh Vĩnh Long đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng, địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh khôi phục lại diện tích nuôi cá tra bị treo hoặc phát triển nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị trên các ao cá tra bị treo theo hướng đa dạng hóa như: cá thát lát còm, cá sặc rằn, cá lóc, lươn…
Vĩnh Long cũng phát triển nuôi thâm canh các loài thủy sản ruộng muối có giá trị kinh tế cao như: cá bông lau, cá trê vàng, tôm càng xanh, cá ngát, cá chình… tại các huyện có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân. Tỉnh cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích người nuôi thủy sản áp dụng sản xuất theo mô hình nuôi tiên tiến để đảm bảo sản phẩm an toàn thực phẩm.
Tỉnh sẽ hỗ trợ người nuôi thủy sản tìm đầu ra cho sản phẩm, ký kết các hợp đồng bao tiêu với các đơn vị phân phối sản phẩm thủy sản như chợ đầu mối, hệ thống phân phối ở các trung tâm thương mại và siêu thị; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời, thực hiện ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến,
Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 257 ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn GlobalGAP/ASC, VietGAP; 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 6,3 ha, từ góp phần giúp cho các sản phẩm thủy sản của tỉnh đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển thủy sản của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất thủy sản trong tỉnh với quy mô nhỏ lẻ còn khá phổ biến, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế nên hiệu quả thiếu bền vững; các sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống, chưa có các doanh nghiệp đầu tư tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển thủy sản chưa tương xứng với nhu cầu và chỉ tiêu tăng trưởng; giá cá tra nguyên liệu giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp, người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh bị thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất./.