Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh

Thứ Ba, 31/10/2017 16:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thực hiện công tác xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Cục Thú y, triển khai các quy định của Luật thú y và Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn quốc đã có 581 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với các bệnh lở mồm long móng (LMLM), Dịch tả lợn, Tai xanh,...Trong đó, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, một số trang trại chăn nuôi không hoạt động, không đăng ký để tái công nhận ATDB, do đó hiện nay toàn quốc có 313 trại lợn (176 trại chứng nhận năm 2016, 137 trại chứng nhận năm 2017) được công nhận ATDB ở 29 tỉnh, thành phố.

Riêng về thực hiện Đề án 441 về thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình, từ khi thực hiện Đề án đến nay, các tỉnh Thái Bình và Nam Định không xảy ra dịch LMLM trên gia súc (Dịch LMLM xảy ra gần nhất tại Thái Bình vào ngày 6/2/2012 tại huyện Quỳnh Phụ; tại Nam Định ngày 17/2/2012 tại huyện Mỹ Lộc). Về dịch tả lợn, từ khi thực hiện Đề án 441, các tỉnh Thái Bình và Nam Định không xảy ra dịch.

Tại tỉnh Thái Bình, triển khai Đề án 441, địa phương đã xây dựng được một số cơ sở ATDB; xác định và hình thành được một số chuỗi sản xuất như: chuỗi liên kết ngang (thông qua các hội, nhóm, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi); chuỗi liên kết dọc (theo hình thức chăn nuôi gia công, liên kết với các doanh nghiệp). Đến nay, Thái Bình đã có 26 trang trại chăn nuôi liên kết với 4 doanh nghiệp; có 1 hiệp hội chăn nuôi, 4 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác chăn nuôi.

Tại Nam Định, một số trang trại trong tỉnh đã xây dựng thành công cơ sở ATDB; đồng thời tỉnh cũng đã xác định và hình thành được một số chuỗi sản xuất như: chuỗi liên kết lợn thịt; chuỗi liên kết lợn sữa. Các chuỗi sản xuất này sẽ là tiền đề cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, tỉnh Thái Bình vẫn chưa phê duyệt Đề án “Xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Thái Bình” để làm căn cứ tổ chức thực hiện các hoạt động cần thiết, đặc biệt là tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện. Các hoạt động phòng, chống dịch, xây dựng cơ sở ATDB chủ yếu gắn kết với các chương trình tiêm phòng hàng năm của địa phương, dự án khuyến nông Trung ương và dự án LIFSAP (Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) nên chưa đạt được mục tiêu như Đề án 441 đã đề ra.

Cùng với đó, tại tỉnh Nam Định, mặc dù địa phương đã xây dựng kế hoạch để thực hiện Đề án 441 nhưng cho đến nay UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt kế hoạch này, do vậy chưa có nguồn kinh phí để tổ chức triển khai các hoạt động cần thiết. Công tác xây dựng cơ sở ATDB của tỉnh chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu, thời gian thực hiện từ năm 2016-2018"; đến nay mới chỉ hỗ trợ được 10 mô hình chăn nuôi lợn ATDB đối bệnh dịch tả lợn và LMLM.

Nhìn chung về kết quả triển khai thực hiện Đề án 441, tại Thái Bình, chưa có xã nào được công nhận ATDB đối với bệnh LMLM, DTL; Nam Định, đã có 1/209 xã có chăn nuôi lợn được công nhận ATDB đối với LMLM, DTL (chiếm tỷ lệ 0,5%); chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra.  Đồng thời, 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định chưa xây dựng xong vùng ATDB LMLM theo mục tiêu của Đề án.

Theo nhìn nhận của Cục Thú y, việc triển khai xây dựng vùng cơ sở, an toàn dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tình trạng chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, do đó nguy cơ về dịch bệnh (như bệnh dịch LMLM, DTL và một số bệnh khác) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án 441 tại Thái Bình (199 tỷ/ 5 năm), Nam Định (224 tỷ/5 năm) là rất lớn, trong khi đó chưa có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách hoặc các chương trình, dự án từ Trung ương, nhất là các khoản chi vào những nội dung như: Đánh dấu nhận diện gia súc (bấm thẻ tai, xăm tai,...) rất tốn kém kinh phí, nhân lực.

Việc xây dựng chốt kiểm dịch, kiểm soát, duy trì vùng ATDB gặp nhiều khó khăn về đất đai, kinh phí xây dựng, nhân lực thực hiện vì theo đề án phải xây dựng nhiều chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào ra địa bàn tỉnh. Việc kiểm soát vùng ATDB của Thái Bình, Nam Định còn nhiều hạn chế do số lượng cầu, phà, đò tiếp giáp với các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên là rất lớn.

Cùng với đó, kinh phí xét nghiệm mẫu để giám sát sự lưu hành mầm bệnh cũng như giám sát sau tiêm phòng công nhận cơ sở, vùng ATDB, giám sát định kỳ cơ sở, vùng ATDB là rất lớn. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn phần lớn vẫn còn nằm trong khu dân cư, số trang trại chuyển dịch ra ngoài khu dân cư còn chậm nên việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những trang trại đã xây dựng nhiều năm. Đa số các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở ATDB, tuy nhiên các trại tư nhân chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở ATDB.

Nhằm thực hiện xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y sẽ tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo xây dựng vùng, cơ sở ATDB. Điều chỉnh, bổ sung nội dung của Đề án; trước mắt ưu tiên xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong các vùng dự kiến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, để từ đó mở rộng và hình thành các vùng an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục đàm phán thỏa thuận thú y với các nước về việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước. Cấp kinh phí hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai vùng, cơ sở ATDB làm cơ sở thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Trong đó, Cục Thú y tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB để tham mưu cho Bộ NN&PTNT trong công tác chỉ đạo điều hành. Phối hợp với Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y duy trì và mở rộng vùng, cơ sở ATDB, an toàn thực phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, tiêu thụ trong nước. Tiếp tục tổ chức đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở, vùng ATDB và tổ chức thẩm định, công nhận theo đúng quy định hiện hành. Tiếp tục đề nghị Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hỗ trợ Việt Nam xây dựng và công nhận vùng ATDB theo tiêu chuẩn của OIE.

Song song với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm chăn nuôi, nghiên cữu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam, của các tổ chức quốc tế (WTO, OIE) và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu để nắm rõ các yêu cầu cho việc định hướng phát triển sản xuất, xây dựng các vùng, cơ sở nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi và các chuỗi chăn nuôi khép kín để xuất khẩu. Chủ động đăng ký và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Chủ động liên kết với các đối tác trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chăn nuôi./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN