Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi đối phó với biện pháp phòng vệ thương mại của EU và Hoa Kỳ

Thứ Năm, 22/12/2022 14:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tính đến tháng 11/2022, hàng hóa của Việt Nam đã phải gánh chịu 225 vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) khi vào thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ, trong đó, riêng Hoa Kỳ là 51 vụ, chiếm 23%. Tuy nhiên, cũng có những vụ việc Việt Nam đã thắng kiện… Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Sau gần 3 năm đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất và kinh doanh, trong đó có việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Châu Âu và thị trường Hoa Kỳ, thì đến năm 2022, tình hình đã khả quan trở lại. Nhưng tương lai vẫn cho thấy còn nhiều khó khăn khi Việt Nam phải đối phó với các biện pháp PVTM của Châu Âu và Hoa Kỳ. Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - nguồn ảnh: Báo Công Thương

Phóng viên: Thực tế cho thấy, các vụ kiện PVTM với hàng hóa Việt Nam ngày càng gia tăng. Riêng trong nửa đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới. Tức là, cứ hai tuần, chúng ta lại phải ứng phó với một vụ việc PVTM mới của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương): Thứ nhất, cùng với việc tích cực hội nhập kinh tế, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, theo đó, các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Một mặt, điều này làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường. Mặt khác, điều này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, do đó buộc Chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có công cụ PVTM - là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.

Thứ hai, tác động của đại dịch COVID-19 và tình hình chính trị đang diễn ra phức tạp trên thế giới đã tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, khiến nhiều quốc gia phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân, cắt giảm nhân lực. Điều đó đã khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp buộc các quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa PVTM đối với hàng hóa nội địa. Các quốc gia hiện có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa hơn sau khi đại dịch, vì vậy việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước là điều cần thiết. Ngoài ra, các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc nước thứ ba bị nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế PVTM, Việt Nam đang là quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ,... đây là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM. Các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay tập trung vào điều tra CBPG, chống lẩn tránh thuế, đến từ thị trường thường xuyên điều tra PVTM với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Trong đó, đáng chú ý là các vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM chiếm đa số. 

Do đó, nói một cách đơn giản, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra PVTM nước ngoài hơn khi Việt Nam đang tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn.

Phóng viên: Những mặt hàng Việt bị kiện gần đây có những đặc điểm gì, thưa ông?

Ông Lê Triệu Dũng: Theo kinh nghiệm của Cục PVTM thì các vụ việc PVTM thường chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có thể sản xuất hàng loạt, tăng trưởng xuất khẩu nhanh, cạnh tranh lớn với ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Các mặt hàng có đặc điểm này dù kim ngạch xuất khẩu lớn hay nhỏ vẫn có thể trở thành mục tiêu nếu đủ để đe dọa ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Ví dụ, các vụ việc điều tra PVTM tính từ đầu năm 2022 tới nay đa phần là các sản phẩm thép và là điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM. Thép và các kim loại cơ bản khác là nhóm mặt hàng thường xuyên bị điều tra áp dụng PVTM trên toàn thế giới. Ngoài ra, hai mặt hàng đáng lưu tâm khác là pin mặt trời và tủ gỗ - là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của ta (xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2021 lần lượt là 1,4 và 2,7 tỷ Đô-la Mỹ ), cũng bị điều tra chống lẩn tránh. Điểm chung của các sản phẩm này là đã bị Hoa Kỳ áp thuế PVTM cao với nước thứ ba (như Trung Quốc), khiến cho các sản phẩm tương tự của Việt Nam bị chú ý khi gia tăng xuất khẩu sang nước này.

Tuy nhiên, không chỉ những mặt hàng có kim ngạch lớn, mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng bị điều tra PVTM. Điển hình như vụ việc Úc điều tra CBPG sản phẩm amoni nitrat (xuất khẩu sang Úc năm 2021 là 5,1 triệu Đô-la Mỹ). Hay mới đây, Hoa Kỳ đang xem xét đề nghị của ngành sản xuất trong nước về điều tra CBPG đối với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ (xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2021 là 30,7 triệu Đô-la Mỹ).

10 thì trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm tháng 9/2022 (nguồn: TTXVN)

Phóng viên: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như thế nào thưa ông?

Ông Lê Triệu Dũng: Khi phải đối diện với các biện pháp PVTM nước ngoài, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của ta cảm thấy lo lắng, thất vọng. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực nhất định.

Ngay khi một ngành hàng bị khởi xướng điều tra, một hoặc nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng đó sẽ bị lựa chọn là bị đơn bắt buộc tham gia vụ việc. Việc lựa chọn doanh nghiệp nào làm bị đơn bắt buộc sẽ phụ thuộc vào các tiêu chí của cơ quan điều tra (ví dụ như có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang nước điều tra trong thời kỳ điều tra…), nhằm hợp tác, cung cấp những thông tin liên quan đến vụ việc. Vì vậy, việc lựa chọn bị đơn này là hoàn toàn bình thường và là quy trình cơ bản của một cuộc điều tra PVTM. Tuy nhiên, khi bị lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, doanh nghiệp vẫn có tâm lý lo sợ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp.

Trường hợp vụ việc bị khởi xướng, doanh nghiệp liên quan sẽ phải bố trí nguồn lực, nhân sự, chi phí thuê luật sư… để xử lý vụ việc.

Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Mật ong tự nhiên của Việt Nam là một trong những sản phẩm được ưa thích tại thị trường Hoa Kỳ 

Phóng viên: Tuy nhiên, không phải cứ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM là sẽ đẩy doanh nghiệp vào chỗ hoang mang, khó khăn. Mà thực tế đã có trường hợp chúng ta kháng kiện thành công, thậm chí thắng kiện, như trường hợp chúng ta kháng kiện thành công việc Mỹ áp thuế CBPG đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam, từ chỗ bị áp mức thuế 410,93% - 413,99% (trong kết luận sơ bộ) sau khi kháng kiện đã giảm xuống còn 58,74% - 61,27% (trong kết luận cuối cùng). Kết quả này đã phần nào giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này, duy trì sinh kế của gần 4 vạn người nuôi ong. Điều này liệu có báo hiện những dấu hiệu khả quan đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Ông Lê Triệu Dũng: Tính đến hết tháng 11 năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra PVTM nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ, chiếm gần 23% tổng số các vụ việc điều tra PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt, bìa kẹp hồ sơ...

Trong số 51 vụ việc nói trên, phần lớn là các vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG) 21 vụ việc; chống lẩn tránh (CLT): 19 vụ việc; chống trợ cấp (CTC): 8 vụ việc; tự vệ (TV): 2 vụ việc.

Đáng chú ý thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ đối với Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tính từ khi Hoa Kỳ đã sửa đổi quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh thuế (ban hành ngày 20/9/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2021), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra 10 vụ điều tra CLT thuế với Việt Nam. Trong đó một số mặt hàng bị điều tra có kim ngạch xuất khẩu lớn trong thời kỳ điều tra như: pin năng lượng mặt trời (khoảng 1,4 tỷ Đô-la Mỹ); tủ gỗ (khoảng 2,7 tỷ Đô-la Mỹ).

Phóng viên: Qua vụ việc chúng ta kháng kiện thành công đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, ông đánh giá như thế nào về năng lực của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng thời gian gần đây (cụ thể với thị trường Hoa Kỳ)?

Ông Lê Triệu Dũng: Trong số các vụ việc mà Hoa Kỳ điều tra PVTM với Việt Nam, có một số vụ việc cơ quan điều tra Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng không áp thuế, như điều tra CBPG/CTC với ống thép cuộn các-bon (2011), điều tra CBPG/CTC với mắc áo bằng thép (2012), điều tra CBPG ống thép cuộn các-bon (2015), điều tra CBPG sợi (2016); và một số vụ việc điều tra CBPG có kết luận cuối cùng tương đối tích cực, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế CBPG như cá tra-basa, tôm, lốp xe. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các kết quả nêu trên là nhờ sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ và hiệp hội, doanh nghiệp trong việc triển khai các công tác ứng phó, xử lý với vụ việc. Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó; trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp; can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi phát hiện hoạt động điều tra không phù hợp với các quy định của WTO; khiếu nại và đưa vụ việc ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp PVTM được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy năng lực ứng phó các vụ việc PVTM của các doanh nghiệp, hiệp hội đã tăng cao đáng kể. Các doanh nghiệp, hiệp hội đã chủ động hơn trong việc tiếp cận, ứng phó, xử lý, kháng kiện các vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như đã chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM, và cơ quan có liên quan, chủ động tổng hợp xử lý số liệu và chủ động trong việc hợp tác với cơ quan điều tra. Một số doanh nghiệp chủ động thành lập bộ phận pháp chế chuyên phụ trách các vụ việc PVTM trong nội bộ công ty.

 Biểu đồ số lượng các vụ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Ủy ban Châu Âu (EC)

Phóng viên: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để có thể duy trì đà tăng trưởng và phát triển, công tác PVTM chiếm vị trí hết sức quan trọng. Đứng dưới góc độ là chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ông cho biết một số vấn đề còn tồn tại trong thông lệ điều tra PVTM của Hoa Kỳ với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời một số lưu ý với các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu tại thị trường này?

Ông Lê Triệu Dũng: Dưới góc độ chuyên gia và góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực PVTM, tôi đánh giá về vấn đề này như sau:

* Những vấn đề còn tồn tại:

- Các quy định điều tra ngày càng khắt khe: Trong quá trình điều tra, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều yêu cầu chặt chẽ về mặt thời gian; cung cấp nhiều tài liệu, thông tin trong khi thời gian trả lời bị hạn chế, gặp phải rào cản ngôn ngữ...

- Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường, do đó bị sử dụng dữ liệu thay thế trong các vụ việc điều tra, dẫn đến thuế PVTM bị đẩy lên cao hơn so với việc sử dụng các dữ liệu thực tế của doanh nghiệp.

- Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên năng lực về PVTM còn hạn chế, không đủ kinh nghiệm và nguồn lực để theo đuổi các vụ việc điều tra.

*  Khuyến nghị:

Để xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM nêu trên, cần có sự tham gia tích cực và sự phối hợp chặt chẽ của cả Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó hiệp hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Một số khuyến nghị với hiệp hội và các doanh nghiệp như sau:

(i) Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm

 Trong bối cảnh các nước có xu hướng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế PVTM thì giải pháp lâu dài, hữu hiệu nhất là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. Việc nâng cao giá trị gia tăng cần được thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu, như tăng năng lực khai thác, sản xuất nguyên liệu đồng vào, đồng thời hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, v.v.  Chỉ với định hướng này thì các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.

(ii) Nâng cao năng lực ứng phó PVTM

Trong bối cảnh các quy định về PVTM của các nước có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, việc chủ động nâng cao năng lực ứng phó PVTM với hiệp hội và doanh nghiệp là cần thiết, để không chỉ chủ động ứng phó khi vụ việc xảy ra mà có thể xây dựng các lộ trình phát triển, xuất khẩu phù hợp, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra PVTM trong tương lai.

(iii) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan có liên quan

Việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan liên quan khác đóng vai trò quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực PVTM; kịp thời trao đổi, cập nhật các thông tin về chính sách PVTM của các nước; phối hợp xây dựng các phương án ứng phó vụ việc hiệu quả.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TQ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN