Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành gỗ trước cơ hội tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh

Thứ Tư, 28/12/2022 15:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chuẩn mực kế toán quốc tế vào hoạt động của mình khi các sản phẩm gỗ liên tục phải đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại.

Với xu hướng tự do hóa thương mại, Việt Nam đã đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua. Động thái này khiến các nước tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), thậm chí còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Những năm gần đây, ngành chế biến, xuất khẩu (XK) gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá. Việt Nam trở thành nước XK gỗ đứng thứ 5 thế giới. Riêng đồ mộc (bàn, ghế, giường, tủ) của Việt Nam là nhóm có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới. Do đó, ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp PVTM.

Sau đây là nội dung phỏng vấn Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương xoay quanh khả năng tác động của các biện pháp PVTM đối với ngành gỗ. 

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: baodautu.vn)

Phóng viên: Trước tiên, xin được hỏi ông, Hiệp hội đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ hiện nay? Khả năng gia tăng giá trị giá tăng trong sản phẩm và các thị trường xuất khẩu tiềm năng?

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Ngành gỗ hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, cả trên phương diện xuất khẩu các mặt hàng gỗ và nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc tham gia các Hiệp định FTA đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm gỗ Việt Nam ở các thị trường quốc tế. Gỗ Việt không chỉ hưởng lợi trực tiếp nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan do các Hiệp định này mang lại, mà còn được hưởng lợi gián tiếp về mặt hình ảnh, uy tín, thương hiệu quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 tăng 15,2% so với cùng kỳ 2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ (HS 94) chiếm 63% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 6% so với cùng kỳ 2021), kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu (HS 44) chiếm 31% (tăng 6%); còn lại là các sản phẩm khác (6%).

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ tháng 01 tới tháng 8, trung bình đạt trên 1,3 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu bắt đầu giảm từ tháng 9/2022, chỉ đạt mức trung bình 1,1 tỷ USD/tháng. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường quan trường quan trọng nhất của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch từ thị trường Hoa Kỳ vượt xa kim ngạch từ các thị trường khác.

Phóng viên: Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp hội và doanh nghiệp đã chủ động làm quen, đánh giá tác động nếu bị áp dụng biện pháp PVTM hay chưa?

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Phòng vệ thương mại là các công cụ chính sách phù hợp, được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận và cho phép các thành viên sử dụng trong thương mại quốc tế. Theo thống kê của WTO, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995 đến nay, đã có hơn 7.000 vụ việc điều tra PVTM được các nước thành viên WTO tiến hành. Vì vậy, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp phải các biện pháp PVTM trong thương mại quốc tế không phải là hiện tượng bất thường.

Từ năm 2019 tới nay, các sản phẩm gỗ liên tục phải đối mặt với các vụ điều tra PVTM. Cụ thể, năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán. Cùng năm đó, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF.

Năm 2019, Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với gỗ dán. Riêng trong năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF, Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán cứng, Canada điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với một số mặt hàng ghế ngồi bọc đệm.

Cũng trong năm 2020, cơ quan Ðại diện thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào nước này (vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thuế quan mở rộng).

Gần đây nhất, năm 2021, Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam do cáo buộc lẩn tránh thuế đang áp với Trung Quốc. Một số vụ việc đã có kết luận áp thuế như vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc điều tra với gỗ dán (đang áp thuế chính thức); vụ việc Hoa Kỳ điều tra với gỗ dán (đang áp thuế sơ bộ).

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cánh cửa xuất khẩu đang đóng lại với ngành gỗ, mà nhìn ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp của ta đang có cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chuẩn mực kế toán quốc tế vào hoạt động của mình.

Ví dụ đối với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp của ta nếu chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, vẫn có cơ hội tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Hiện tại, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận ước tính chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.

Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát gỗ bất hợp pháp, là cơ sở để Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra 301 theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước. Thêm vào đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng có cơ hội đề nghị cơ quan điều tra PVTM tiến hành rà soát hành chính hàng năm, rà soát nhà xuất khẩu mới để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.

Đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương tổ chức ngày 23/12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp hội và doanh nghiệp đã chủ động làm quen, đánh giá tác động nếu bị áp dụng biện pháp PVTM hay chưa? Ông hãy đánh giá các khó khăn, trở ngại khi tiếp cận vấn đề này?

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Thời gian qua, nhằm xử lý các vụ việc nêu trên, Hiệp hội Gỗ và các doanh nghiệp gỗ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để: (i) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp gỗ về rủi ro đối mặt với các vụ việc PVTM, chống lẩn tránh PVTM khi xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài; (ii) Kịp thời trao đổi, xây dựng và triển khai các phương án ứng phó thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; (iii) Liên kết các doanh nghiệp trong ngành để đoàn kết cùng kháng kiện; (iv) Đưa ra các hướng dẫn, định hướng cho các doanh nghiệp trong ngành; (v) Tích cực, chủ động trao đổi, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình của vụ việc.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã triển khai một số công tác cảnh báo sớm như: định kỳ phân tích dữ liệu xuất và nhập các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ để nắm được tình hình xuất/nhập các mặt hàng, dữ liệu đầu tư nước ngoài vào các mặt hàng của ngành gỗ, từ đó đưa ra các cảnh báo đối với các mặt hàng rủi ro trong xuất và nhập khẩu. Các cảnh báo này được đăng tải trên Tạp chí Gỗ Việt và gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông. Đồng thời, Hiệp hội cũng theo dõi chặt chẽ Danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM của Cục Phòng vệ thương mại để kịp thời thông tin và cảnh báo doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng phải đối mặt với một số hạn chế nhất định, như:

- Về mặt tiếp cận thông tin: đối với nguồn thông tin về xuất và nhập khẩu, để có số liệu chính xác và phân tích đánh giá độ tăng, giảm cần có sự hỗ trợ của Tổng cục Hải quan.

- Thiếu đội ngũ nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm về pháp luật PVTM.

- Phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế nên việc kháng kiện trong thời gian dài, tốn kém chi phí có thể là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Hiệp hội rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại, Tổng cục Hải quan để tiếp tục xử lý hiệu quả các vụ việc hiện tại và phòng tránh các vụ việc xảy ra trong tương lai.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác cảnh báo sớm của Bộ Công Thương - Cục Phòng vệ thương mại?

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Công tác cảnh báo sớm của Bộ Công Thương - Cục Phòng vệ thương mại đã giúp hạn chế thiệt hại từ các vụ kiện PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cảnh báo sớm các vụ việc PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc cảnh báo cần đảm bảo sự trao đổi thông tin xuyên suốt giữa cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thông qua hình thức điện tử, ấn phẩm, báo cáo cập nhật nhằm đưa ra các kiến nghị chính sách kịp thời.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!


Hà Thu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN