Việt Nam ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân
(ĐCSVN) - Đại sứ Nguyễn Trung Kiên khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa ba trụ cột của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó đề cao quyền của các nước sử dụng năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghĩa vụ đối với NPT.
Một cuộc họp của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. |
Ngày 5/6, cuộc họp định kỳ Hội đồng Thống đốc (HĐTĐ) Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã khai mạc với sự tham dự của đại diện 35 quốc gia thành viên Hội đồng, cùng một số nước thành viên IAEA và tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA dẫn đầu, cùng sự tham dự của đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nhấn mạnh IAEA luôn nỗ lực và kịp thời hỗ trợ các quốc gia thành viên trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan này, nổi bật là việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ủng hộ 5 nguyên tắc do IAEA đề xuất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya tại Ukraine, gồm: không tấn công nhằm vào nhà máy; không sử dụng nhà máy để tàng trữ vũ khí hạng nặng hoặc đồn đóng lực lượng vũ trang; không đe dọa an toàn nguồn điện của nhà máy; bảo vệ các cơ sở hạ tầng để vận hành nhà máy an toàn; không có các hành động làm phương hại các nguyên tắc trên.
Nhân dịp này, ông Grossi điểm qua những hoạt động nổi bật của IAEA trong năm 2022 nhằm thúc đẩy các ứng dụng công nghệ hạt nhân một cách hòa bình, tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, thực hiện hoạt động thanh sát. Trong đó, Tổng giám đốc IAEA đề cao các nỗ lực hỗ trợ 149 quốc gia-vùng lãnh thổ và đạt được tỷ lệ hoàn thành chương trình hợp tác tới 84,4%, với nguồn ngân sách cho hợp tác năm 2022 khoảng 130 triệu euro. Các sáng kiến như Rays of Hope (Tia Hy vọng), ZODIAC (Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật), hay NUTEC Plastics (Công nghệ hạt nhân kiểm soát ô nhiễm nhựa) đều có những bước triển khai đáng ghi nhận.
Cuộc họp HĐTĐ tháng 6/2023 sẽ diễn ra trong một tuần và tập trung rà soát, thảo luận các Báo cáo năm của IAEA, gồm Báo cáo thường niên, Báo cáo về hợp tác kỹ thuật, Báo cáo về thanh sát hạt nhân… để thống nhất thông qua và đệ trình lên Khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng IAEA vào tháng 9/2023. Bên cạnh đó, một số nội dung khác cũng được các nước thành viên Hội đồng quan tâm thảo luận như: tình hình thực thi các Hiệp định thanh sát giữa IAEA với Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria, một số vấn đề đang nổi lên như tình hình an ninh, an toàn của nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, hay Hiệp ước về hợp tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia về việc chuyển giao tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (AUKUS)...
Tham dự cuộc họp lần này, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa ba trụ cột của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó, đề cao quyền của các nước sử dụng năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghĩa vụ đối với NPT; đề cao nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ vai trò của IAEA; đánh giá cao các chương trình hợp tác kỹ thuật, nhất là các chương trình đang triển khai giữa Việt Nam và IAEA như chương trình ZODIAC, dự án hợp tác ba bên Việt Nam - Lào/Campuchia - IAEA; và đề nghị IAEA tiếp tục tăng cường hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việt Nam được bầu làm thành viên HĐTĐ IAEA từ tháng 9/2021 trong nhiệm kỳ 2 năm 2021 - 2023. Cơ quan này hiện gồm 35 thành viên: Anh, Argentina, Ấn Độ, Brazil, Bulgaria, Burundi, Canada, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Đức, Guatemala, Hàn Quốc, Ireland, Kenya, Libya, Mỹ, Namibia, Nam Phi, Nhật Bản, Nga, Pakistan, Phần Lan, Pháp, Qatar, Saudi Arabia, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ, Thổ Nhỹ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Uruguay và Việt Nam. Mỗi năm, HĐTĐ IAEA có 4 kỳ họp vào các tháng 3, 6, 9 và tháng 11. Trong đó, tháng 9 sẽ diễn ra Khóa họp thường niên Đại hội đồng IAEA. |