Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển không có biển

Thứ Tư, 23/08/2023 16:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao Á - Âu về rà soát chương trình hành động Vienna về các nước đang phát triển không có biển, Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển không có biển; sẵn sàng đóng góp vào các mục tiêu và hành động chung...

Đại sứ Phan Chí Thành dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp.

Từ ngày 22 - 23/8, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao Á - Âu về rà soát chương trình hành động Vienna về các nước đang phát triển không có biển tại Trung tâm Hội nghị Liên hợp quốc, Bangkok, Thái Lan.

Phiên họp cấp cao có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ 30 quốc gia là các nước đang phát triển không có biển (LLDC) và các nước đối tác liên quan, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực châu Á (ESCAP), châu Âu (ECE) và nhóm nước LLDC (UN-OHRLL), cùng đại diện các chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Phiên họp cấp cao được tổ chức nhằm rà soát, cập nhật tiến trình thực hiện chương trình hành động Vienna của các nước LLDC tại khu vực châu Á, châu Âu nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về các nước LLDC vào năm 2024 tại Kigali, Rwanda.

Tại hội nghị, các bên đều đánh giá cao các kết quả quan trọng trong 9 năm thực hiện chương trình hành động Vienna tại các nước LLDC khu vực Á - Âu, đặc biệt là trong kết nối cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại và trung chuyển hàng hóa.

Thứ trưởng Ngoại giao Lào Phoxay Khaykhamphihoune cho biết, thông qua thực hiện VPoA, Lào đã đạt được nhiều tiến triển về xây dựng cơ sở hạ tầng đường cao tốc, phát triển các tuyến đường mới, cảng cạn và hệ thống logistics. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định tiến trình thực hiện chương trình hành động đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách UN-OHRLL Rabab Fatima nhấn mạnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu và xu hướng nổi lên của các công nghệ số mới là những thách thức đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc định hình chương trình hành động cho thập kỷ tới.

Đại sứ Phan Chí Thành đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của phiên họp trong xây dựng, định hướng chương trình hành động cho thập kỷ tới phù hợp với bối cảnh quốc tế mới và tình hình phát triển của các nước LLDC; đồng thời đưa các đề xuất, gồm:

Thứ nhất, chú trọng tính kết nối và cải thiện cơ sở hạ tầng vận tải, logistic của các nước LLDC và giữa các nước LLDC với các nước láng giềng cả về chất lượng và số lượng.

Thứ hai, chú trọng phát triển các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý như du lịch bền vững và kinh tế kỹ thuật số.

Thứ ba, tăng cường hợp tác vận tải đường thuỷ trên các tuyến sông xuyên biên giới bởi đây có thể là giải pháp tiềm năng mở ra các cơ hội giúp các nước LLDC hội nhập sâu rộng hơn trong hoạt động thương mại quốc tế.

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động hỗ trợ các nước LLDC như tích cực phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây giúp cho việc vận chuyển hàng hoá của các nước, địa phương không có biển được thuận lợi hơn; tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế và khu vực nhằm thảo luận về các giải pháp liên quan đến vận tải, quá cảnh và tạo thuận lợi thương mại cho các nước đang phát triển, trong đó có các nước LLDC.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác với các nước LLDC bạn bè; sẵn sàng đóng góp vào các mục tiêu và hành động chung hướng tới sự phát triển bao trùm, bền vững và tự cường, không để bất kỳ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Phiên họp cấp cao dự kiến sẽ thông qua văn kiện hội nghị với các khuyến nghị cụ thể tập trung vào đẩy mạnh hội nhập và thực thi các thỏa thuận, điều ước quốc tế và khu vực về quá cảnh, vận tải; tạo thuận lợi cho thương mại như thực hiện các biện pháp thương mại không giấy tờ xuyên biên giới; tăng cường sử dụng và phát triển các tuyến hành lang vận tải, logistic xuyên biên giới; triển khai các giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm hạn chế tác động của các yếu tố như xung đột, dịch bệnh gây rủi ro, gián đoạn cho các hoạt động kinh tế.

Nhóm các nước không có biển (Landlocked Developing Countries - LLDC) bao gồm 32 nước đang phát triển không giáp biển trong khuôn khổ Liên hợp quốc, trong đó 2/3 nằm ở châu Á và châu Phi.

Nhóm LLDCs được Liên hợp quốc cùng với các cơ quan chuyên trách như UNCTAD, UN-OHRLLS... quan tâm sâu sắc do bất lợi đặc thù về địa lý, cản trở khả năng giao thương và đa số là các nước kém hoặc đang phát triển.

Chương trình hành động Vienna đã được thông qua tại Hội nghị Vienna năm 2014 đề ra các hoạt động tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm ứng phó với các thách thức của các nước LLDC và hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2014 - 2024.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN