Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ
(ĐCSVN) – Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, căng thẳng thương mại và đầu tư quốc tế cũng là một cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ.
Để quá trình hội nhập có tính bền vững cao hơn, việc tạo ra và củng cố vị thế trong mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu là hết sức quan trọng. Vừa mới đây, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã cùng thống nhất đề xuất một số kiến nghị sau:
Thu hút FDI thế hệ mới hướng vào các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ ít phế thải, công nghệ khép kín, công nghệ xanh (Ảnh: PV) |
Thu hút FDI thế hệ mới gắn với tăng trưởng xanh
Nhóm nghiên cứu cho rằng, đổi mới chính sách thu hút FDI thế hệ mới hướng vào các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ ít phế thải, công nghệ khép kín, công nghệ xanh là hướng đi tất yếu.
Trong bối cảnh hiện nay, FDI gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái (FDI xanh) đang được nhiều nước quan tâm. Khi một nước nhận được các dự án FDI xanh sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ thân thiện với môi trường. Điều đó vừa tăng được lợi ích kinh tế quốc gia vừa đảm bảo được môi trường. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo tinh thần đó, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút FDI, chuyển từ thu hút FDI “theo chiều rộng” sang thu hút FDI “theo chiều sâu”, trong đó tập trung khuyến khích thu hút FDI vào công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần xanh hóa các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường quốc gia, khu vực và thế giới.
Theo nhóm nghiên cứu, để làm được điều này, các chính phủ và các cơ quan liên quan, trong đó có Việt Nam cần:
Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu. Với việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút FDI từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vì mang tính chuyển giao công nghệ cao. Phần lớn các nước muốn phát triển đều phải mở cửa đón FDI công nghệ vào để học tập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước mình trước khi có tác động tràn đi đầu tư nước khác. Kể cả Trung Quốc ngày nay cũng phải đi theo con đường đó – Lý thuyết Con đường phát triển (IDP).
Hai là, tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực công nghệ cao. Trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, việc sửa đổi các cơ chế chính sách này phải đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước và đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển công nghệ bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ mới hướng tới tiêu dùng xanh (Ảnh: PV) |
Tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững
Nhóm nghiên cứu cũng nhất trí cao rằng, xu thế hiện đại là tiến tới “xanh” với yếu tố bền vững vì sức khỏe nhân loại và bảo vệ sự an toàn của trái đất, nên cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển công nghệ bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ mới hướng tới tiêu dùng xanh. Điểu này cần:
Một là, lập quy hoạch phát triển sản xuất xanh trong tất cả ngành của nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Trong đó, cần tính đến các yếu tố, tác nhân gây ô nhiễm môi trường, suy giảm, thoái hóa tài nguyên thiên nhiên, đồng thời xây dựng các giải pháp tổng thể tối ưu hóa lợi ích quốc gia và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Hai là, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tiêu dùng xanh theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Tiếp tục thực thi chính sách tài chính xanh với thuế và tín dụng ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển các loại công nghệ mới hướng tới tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn theo chuẩn mực của châu Âu và một số tổ chức quốc tế; khuyến khích sản xuất sử dụng công nghệ giảm thiểu phát thải và lệ thuộc vào nguyên, nhiên liệu hóa thạch, sử dụng rộng rãi nguyên vật liệu tái tạo, tái sinh.
Ba là, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến tiêu dùng xanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm xã hội, tầm quan trọng và lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi mô hình sang phát triển công nghệ bền vững, công nghệ xanh và chứng chỉ các bon. Ngoài ra, tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin và thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của Nhà nước cho tiêu dùng xanh.
Tập trung phát triển công nghệ lõi của riêng Việt Nam tích hợp chuyển đổi số
Cũng theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thực tế phát triển công nghệ trên thế giới cho thấy Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với các đối tác này để tận dụng các cơ hội và điều kiện để phát triển tránh bị tụt hậu về công nghệ đặc biệt là truyền thông, thông tin và chuyển đổi số.
Một là, có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nghiên cứu, làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ có tính ứng dụng cao đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam. Trong tương lai, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)… Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi số, tập trung phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số thay thế sức lao động và ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong tương lai; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số; xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số.
Hai là, xây dựng dự án nghiên cứu công nghệ khai thác chế biến đất hiếm và ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Ba là, có cơ chế bảo vệ quyền lợi sáng chế công nghệ rõ ràng, có chế tài xử lý vi phạm bản quyền sáng chế. Điều này đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp có sáng chế khoa học tạo ra lợi nhuận bền vững, tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu.
Bốn là, kết hợp giữa khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước phát triển các công nghệ lõi, công nghệ cao, có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề. Phát triển doanh nghiệp đầu ngành tự chủ công nghệ lõi phục vụ các ngành thiết yếu như nông nghiệp, may mặc, thiết bị y tế, viễn thông.
Năm là, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chuyên nghiệp. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong các viện nghiên cứu và trường đại học. Khuyến khích sự kết hợp giữa chuyên ngành khoa học máy tính, khoa học công nghệ và các lĩnh vực kinh doanh, chế tạo. Xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc liên kết tài trợ cho việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn. Khi đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản lý sẽ vươn dần lên trong chuỗi cung ứng, thậm chí trở thành các doanh nghiệp cốt lõi của chuỗi, làm chủ chuỗi sẽ thay đổi được vị thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.
Phát triển hiệu quả hạ tầng TMĐT (Ảnh: PV) |
Phát triển hạ tầng thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần thúc đẩy nền kinh tế nội địa, thương mại điện tử (TMĐT) là một kênh hiệu quả cho xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Lợi ích từ TMĐT đến từ nguồn dữ liệu lớn (Big Data) có ý nghĩa lớn trong việc phân tích, dự báo nhu cầu các ngành hàng, từ đó phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, những nguồn lực này lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài khi mà các sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam như Shopee (Singapore), Lazada (Trung Quốc),... chiếm phần lớn thị phần TMĐT Việt Nam quý III/2023. Do đó, Việt Nam cần:
Thứ nhất, có chính sách hỗ trợ thuế, phí cho các mặt hàng trong các ngành mũi nhọn, có nguồn gốc Việt Nam xuất khẩu qua sàn TMĐT xuyên biên giới.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà bán lẻ trong vấn đề số hoá doanh nghiệp. Các cơ quan và doanh nghiệp đầu ngành lên kế hoạch đẩy mạnh xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn.
Thứ ba, cập nhật liên tục chính sách liên quan đến an ninh mạng để phù hợp với tình hình phát triển công nghệ chung của thế giới. Hạn chế tình trạng lỏng lẻo dẫn đến lừa đảo trong môi trường mạng, nhưng cũng đủ thông thoáng để khuyến khích đầu tư.
Thứ tư, đẩy mạnh khuyến khích người dân và doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen cho người dân sử dụng sàn TMĐT và tạo sự minh bạch trong chi tiêu doanh nghiệp.
Thứ năm, hợp tác với các sàn TMĐT lớn như Amazon (Mỹ), Shopee (Singapore) nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về quy trình, luật pháp về xuất khẩu qua sàn TMĐT.
Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành công nghệ cao, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn. Thực tế hiện nay, thời điểm thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc miễn giảm thuế thu nhập sẽ không còn hiệu quả khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Hơn nữa, tận dụng lao động rẻ và dân số vàng của Việt Nam đang mất lợi thế rất nhanh khi cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Do đó, Việt Nam nên chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng, dân chủ sẽ đảm bảo cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc:
Một là, tạo điều kiện để các khoá học ngắn hạn có cấp chứng chỉ được chấp nhận chính thức và phổ biến rộng rãi. Hiện nay nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới (Meta, Google) đã chấp nhận những khoá học ngắn hạn có cấp chứng chỉ do chính các trường đại học hay tập đoàn lớn như Đại học Harvard, Google, IBM (Mỹ) tổ chức. Trong đó có nhiều khoá học về khoa học dữ liệu, phát triển phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu nhân lực cấp thiết trong ngắn hạn. Hiện nay ở thị trường Việt Nam nhiều công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự dựa trên những chứng chỉ ngắn hạn cho một vài ngành nghề đặc thù như marketing, phát triển phần mềm, phân tích xử lý dữ liệu. Các khoá học ngắn hạn cũng giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề trước khi có sự đầu tư dài hạn.
Hai là, có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực bám sát chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn để đạt được sự phát triển bền vững. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới và nano, công nghiệp chế tạo và tự động hóa. Trong đó, cần tạo sự đột phá về chính sách đãi ngộ, tiền lương linh hoạt theo tiêu chí tài năng và hiệu quả đóng góp cho xã hội; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến, tôn vinh những tài năng, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới.
Ba là, bám sát xu hướng công nghệ trên thế giới và phân tích tác động của nó trong sự thay đổi nhu cầu nhân sự, đặc biệt là trong các ngành khoa học công nghệ, khoa học máy tính, dữ liệu, và trí tuệ nhân tạo. Đội ngũ giảng viên cần có kế hoạch tập huấn, học hỏi, trau dồi, phát triển năng lực thường xuyên từ các tập đoàn đầu ngành. Điều này không chỉ đảm bảo trình độ chuyên môn cho giảng viên mà còn giúp giảng viên và các cơ quan đào tạo nắm bắt được xu thế thay đổi của công nghệ và các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai ngắn và dài hạn. Tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng để có định hướng đúng đắn hơn về cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra, tổ chức các chương trình hướng về Việt Nam, chương trình hướng dẫn (mentor) kết nối chuyên gia người Việt tại nước ngoài với sinh viên Việt Nam trên diện rộng.