Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam chủ động, tích cực trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn

Thứ Ba, 29/08/2023 18:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (viết tắt là Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT), Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước, từ đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả CAT tại Việt Nam

 Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an. (Ảnh: Minh Ngân-Bộ Công an) 
Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (viết tắt là Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT) là một trong 9 điều ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Đây là một trong những điều ước quốc tế, đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc.

Công ước thể hiện ý chí của nhân loại, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử, hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Với mong muốn bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân, ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước.

Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 05/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 07/3/2015.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 8/2023, Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước CAT, Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong phổ biến, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức trong thực thi Công ước chống tra tấn. Đáng chú ý, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Học viện Clingendael và các cơ quan liên quan tổ chức 10 khóa tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường Công an nhân dân với mục tiêu sau khi kết thúc các khóa tập huấn này, các cán bộ, chiến sĩ đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân; phối hợp với UNDP Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền Công ước CAT trên các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam như: Phú Thọ, Sa Pa, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.

Cùng với các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Trên cơ sở Đề án tuyên truyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng loạt quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn cũng như đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cao hơn cho lực lượng thực thi pháp luật.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng từ ngày 01/11/2018 đến 31/12/2022, trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử nói chung, Việt Nam đã ban hành 34 văn bản triển khai thi hành, trong đó đáng chú ý là: Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; Quy chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố. 

Việt Nam chủ động chuyển hóa các quy định của CAT vào hệ thống pháp luật quốc gia

“Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung” - Đại tá Trần Nguyên Quân cho biết.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành 9 văn bản triển khai trong lĩnh vực này, đáng chú ý như: Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ theo lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015; Quyết định về quy trình thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015 của lực lượng CAND; Kế hoạch về chương trình bồi dưỡng kỹ năng, tác phong, thái độ cho cán bộ hỏi cung, lấy lời khai khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trên cơ sở các thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẩn trương tổ chức triển khai áp dụng các quy định này, qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của người dân nói chung và quyền của những người có nguy cơ bị tra tấn nói riêng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thực thi công quyền, từ đó, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tra tấn.

“Chúng ta đã xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ... Chúng ta cũng nỗ lực bảo đảm hơn nữa việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Từ cuối năm 2018 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi…” - Đại tá Trần Nguyên Quân dẫn chứng.

Việt Nam cũng đã ban hành Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027. Việc này nhằm góp phần bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Một tiết mục văn nghệ do phạm nhân trại giam Vĩnh Quang (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) biểu diễn (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Bên cạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước chống tra tấn, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban chống tra tấn. Theo đó, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; trình bày và bảo vệ các thông tin, số liệu, nội dung mà Việt Nam đã nêu trong Báo cáo quốc gia lần thứ nhất trước Ủy ban chống tra tấn vào năm 2018.

Sau Phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất, ngày 07/12/2018, Ủy ban chống tra tấn Liên hợp quốc đã ban hành Báo cáo giữa kỳ đánh giá về việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn tại Việt Nam. Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Ủy ban chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị này vào tháng 10/2020, trong đó đã cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên xuốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.

Cùng với đó, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, với sự hỗ trợ ban đầu của UNDP Việt Nam, ngày 14/2/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Trên cơ sở bám sát các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, Kế hoạch này đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị bằng các hoạt động cụ thể, cụ thể như: Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện khuyến nghị 7 về định nghĩa và hình sự hóa hành vi tra tấn trong pháp luật quốc gia; Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện khuyến nghị 29 về không chấp nhận lời khai có được do tra tấn; Bộ Tư pháp và Bộ Công an chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17, 21, 31 về các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản; Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17 và 42 về khiếu nại; Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 15, 21, 23, 29 về điều tra, truy tố, xét xử.

Theo Đại tá Trần Nguyên Quân, hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. 

Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc nói chung và Công ước chống tra tấn nói riêng, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế./.

Thu Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN