Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam cần đặt mục tiêu giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học

Thứ Tư, 29/03/2023 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo TS. Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học ứng dụng, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học FPT, để đạt được lượng khí phát thải nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, bất cứ lộ trình giảm phát thải nào cũng đều cần sự quyết tâm từ các cơ quan quản lý và sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia ngày càng tập trung vào nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhận thức về vấn đề Net Zero. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức đã đưa ra các cam kết công khai nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn.

 TS. Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học ứng dụng, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học FPT. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học ứng dụng, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học FPT, đánh giá, mức độ nhận thức của công chúng và các doanh nghiệp về Net Zero khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý, ngành nghề hoạt động và mức độ phổ biến của các hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Cũng theo TS. Nguyễn Phi Hùng, hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang gặp phải một số thách thức, rào cản khi cam kết không phát thải ròng như: Thách thức về kinh tế khi các nước Đông Nam Á vẫn đang phát triển và nền kinh tế của họ chủ yếu dựa vào các ngành phát thải khí nhà kính (năng lượng và giao thông vận tải). Quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 có thể tốn kém và khó khăn trong việc đầu tư, tài trợ vào nguồn năng lượng sạch và công nghệ carbon thấp.

Thiếu cơ sở hạ tầng khi cơ sở hạ tầng của khu vực chưa được phát triển đầy đủ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0, như thiếu cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo hoặc trạm sạc cho xe điện. Quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng không đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ, nhưng một số quốc gia Đông Nam Á có thể chưa có ý chí chính trị để thực hiện những thay đổi cần thiết. Một số Chính phủ có thể ưu tiên phát triển kinh tế hơn phát triển bền vững hoặc có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm lợi ích.

Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, do công chúng ở các quốc gia Đông Nam Á có thể chưa nhận thức rõ ràng về mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu và sự cần thiết trong việc thực hiện mức phát thải ròng bằng 0. Sự thiếu nhận thức này có thể làm hạn chế mức độ ủng hộ của công chúng đối với hành động vì khí hậu và tạo ra những trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách. Cùng với đó, một số quốc gia Đông Nam Á hiện chưa có bộ phận chuyên môn kỹ thuật cần thiết để phát triển và thực hiện các chiến lược Net zero hiệu quả. Do đó, cần sự hỗ trợ và hợp tác từ các chuyên gia và tổ chức quốc tế.

Việc giải quyết những rào cản này sẽ đòi hỏi những nỗ lực phối hợp từ Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và các tổ chức quốc tế để có thể duy trì nguồn kinh phí cần thiết, chuyên môn kỹ thuật và hoạt động giáo dục cộng đồng cần thiết để hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Đã có gần 130 quốc gia cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. (Ảnh: ITN)

Các quốc gia nên áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu chất thải

Theo TS. Nguyễn Phi Hùng, đến nay, đã có gần 130 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Tại Đông Nam Á, các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng gia tăng nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Những năm gần đây, Việt Nam thể hiện sự đóng góp tích cực vào mục tiêu chung của toàn thế giới khi đã và đang thực hiện cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ nhiệt điện than trong giai đoạn 2030 - 2040 và thực hiện chính sách bảo vệ rừng; đồng thời, công bố mục tiêu giảm phát thải 43,5% vào năm 2030 trong Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra một số cam kết chính sách quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 như: thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh, xem xét thực hiện cơ chế định giá carbon để khuyến khích giảm phát thải và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, cùng các mục tiêu về năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn,…

TS. Nguyễn Phi Hùng cho rằng, để hỗ trợ việc thực hiện các chính sách và quy định nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0, các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam nên đặt mục tiêu giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học, đầy tham vọng phù hợp với các mục tiêu khí hậu quốc gia và toàn cầu. Các mục tiêu này cần được xem xét và cập nhật thường xuyên để phản ánh khoa học khí hậu mới nhất.

Đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Áp dụng các công nghệ và thực hành sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính. Điều này có thể bao gồm các biện pháp như cải thiện khả năng cách nhiệt của tòa nhà, sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông ít khí thải như xe điện, xe đạp và phương tiện giao thông công cộng để giảm lượng khí thải carbon. Tích cực hợp tác với các nhà cung cấp để thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bằng cách tìm nguồn cung ứng sản phẩm bền vững, giảm lãng phí và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Theo TS. Nguyễn Phi Hùng, các quốc gia nên áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái sử dụng và tái chế cũng như giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu thô. Cùng với đó, xem xét thực hiện các cơ chế định giá carbon nội bộ và bù đắp lượng khí thải còn lại để đạt được mức phát thải ròng bằng.

Với thông điệp "Imagining a Net-Zero ASEAN - Tưởng tượng về một ASEAN có mức phát thải ròng bằng 0", Hội thảo Giải pháp phát triển Đông Nam Á (SEAD 2023) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức với Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN (ACGF) vào ngày 30/3. Đây được coi là một trong những hoạt động quan trọng, giúp cung cấp các thông tin chính thống, cập nhật về các công nghệ mới, cải tiến mới, và các phương pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN có thể góp phần đạt được mức phát thải ròng bằng 0, từ đó, xây dựng một nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn. Hội thảo đặc biệt khuyến khích người tham dự đến từ Việt Nam.

Tìm hiểu thêm và đăng ký tham dự hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến miễn phí tại đây: https://seads.adb.org/seads/2023/registration.


Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN