Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vị trí và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với các tổ chức trong hệ thống chính trị

Thứ Hai, 16/09/2019 18:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do chính nhân dân, chính lịch sử cách mạng Việt Nam thừa nhận và được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam do chính nhân dân,
chính lịch sử cách mạng Việt Nam thừa nhận. (Ảnh: LN)

Ngày 18-20/9/2019 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX MTTQ Việt Nam. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu những thông tin liên quan đến nội dung này.

1. Vị trí của MTTQ Việt Nam

Khi cách mạng chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, theo yêu cầu của cách mạng, Mặt trận có lúc đã thực hiện chức năng của chính quyền trong vùng tạm chiếm hoặc vùng mới giải phóng. Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta. Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị nước ta tuy có vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Luật MTTQ Việt Nam số 75/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 9/6/2015 khẳng định tại Điều 12. Nguyên tắc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: MTTQ Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam do chính nhân dân, chính lịch sử cách mạng Việt Nam thừa nhận và được hiến định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

2. Mối quan hệ MTTQ Việt Nam và các tổ chức trong hệ thống chính trị

2.1. Mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận.

- Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo đối với Mặt trận bằng cách đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân; Đảng tiến hành công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục, tổ chức kiểm tra và bằng sự gương mẫu của đảng viên trong sinh hoạt và hoạt động của Mặt trận.

Để lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải ở trong Mặt trận, là một thành viên của Mặt trận. Thực tiễn lịch sử từ ngày thành lập Mặt trận đến nay đã chứng tỏ các thành viên tham gia Mặt trận đều tự giác thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

- Là thành viên, Đảng tham gia Mặt trận như mọi thành viên khác. Đảng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động của tổ chức mình trong chương trình thống nhất hành động của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Đại diện cấp uỷ đảng trong Uỷ ban MTTQ có trách nhiệm tham gia sinh hoạt đầy đủ, thực hiện hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động. Cấp uỷ đảng phải giáo dục, yêu cầu đảng viên của mình gương mẫu thực hiện chương trình hành động chung đã được các tổ chức thành viên thoả thuận và tích cực tham gia công tác Mặt trận.

2.2. Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước:

Điều 7 Luật MTTQ Việt Nam: Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban MTTQ Việt Nam và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành.

Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng luật pháp, nhân dân là người trực tiếp thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà nước phải tôn trọng và tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ Nhà nước.

Nhà nước phối hợp với Mặt trận trong việc chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân, trong việc vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào hành động thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế - xã hội.

2.3. Quan hệ giữa Uỷ ban MTTQ với các tổ chức thành viên cùng cấp

Uỷ ban MTTQ mỗi cấp chủ trì việc hiệp thương dân chủ giữa các thành viên để bàn bạc thực hiện những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, của cuộc sống nhân dân, phối hợp xây dựng chương trình hành động chung và cùng nhau thực hiện chương trình thống nhất hành động đó./.

Linh Nhi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN