Vì sao số vụ nhà báo bị hành hung không giảm?
(ĐCSVN) - Số nhà báo bị hành hung ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn lại rất khiêm tốn. Phải chăng pháp luật chưa đủ chế tài và sức răn đe, hay cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị các đối tượng lạ mặt hành hung dập ngón tay trỏ bên phải.
Ảnh: Laodong.com
Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị hành hung khi đang trên đường đi thực hiện nhiệm vụ cơ quan phân công vẫn đang nóng dư luận, thì mới đây, ngày 26/3, phóng viên của Báo Bảo vệ pháp luật lại bị một nhóm người hành hung tại Bắc Ninh. Sau khi hành hung, nhóm người này còn thách thức: “Có cần gọi Công an không?...”. Sự việc xảy ra trong quá trình phóng viên Quang Tới đi xác minh thông tin về việc nạo vét luồng tại địa phận sông Cầu thuộc địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trước đó, công luận cũng đã phản ánh nhiều trường hợp phóng viên, nhà báo khác bị hành hung. Điển hình như ngày 18/3, phóng viên VTC News bị Bảo vệ Nhà hàng Qeen (Láng Hạ - Hà Nội) đánh, giữ người trái pháp luật. Trong năm 2015, phóng viên Báo Hà Nội mới bị đánh khi tác nghiệp tại hiện trường tai nạn giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh; phóng viên Báo Giao thông bị đánh khi ghi hình xe quá tải…Điều đáng nói là số vụ nhà báo bị hành hung liên tiếp xảy ra nhưng số vụ được xử lí có kết quả lại rất ít. Cụ thể: Báo Giao thông đã thống kê, năm 2013 có 32 vụ việc với hơn 40 phóng viên, nhà báo bị hành hung thì chỉ có 7/32 vụ có thông tin xử lý. Năm 2014 có 16 vụ đe dọa, hành hung nhà báo được thông tin trên báo chí và chỉ có 2/16 vụ đó được xử lý. 9 trong tổng số 48 vụ trong 2 năm vừa qua được xử lý thì mới chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết.
Trở lại các vụ việc nhà báo bị hành hung, chúng ta thường thấy, những nhà báo này đều là những người đã và đang tham gia chống tiêu cực trong những lịch vực nhạy cảm như: Tham nhũng, sai phạm khai thác khoáng sản và những hành vi có dấu hiệu sai phạm trong các lĩnh vực khác. Nghĩa là các nhà báo đã xông pha vào chốn nguy hiểm để điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, nhằm đấu tranh với những tiêu cực. Thế nhưng khi các nhà báo bị tấn công, hành hung, họ lại chỉ được cơ quan chức năng xử lí vụ việc như với một công dân bình thường. Cụ thể, cơ quan Công an sẽ xem vụ việc có gây hậu quả đủ để xử lí hình sự hay không. Căn cứ thường được áp dụng đó là tỷ lệ thương tật vĩnh viễn có quá 11% sức khỏe không? Tài sản bị thiệt hại có quá 2 triệu đồng hay không?
Với cách tiếp cận giải quyết sự việc như trên, rất nhiều vụ việc nhà báo bị đánh đập tàn bạo và còn bị thách thức này nọ, nhưng cuối cùng kết quả xử lí chỉ ở mức rất qua loa, phổ biến là phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận. Thậm chí rất nhiều trường hợp nhanh chóng chìm xuồng vì thương tật… nhẹ. Việc căn cứ này, xem ra, cơ quan chức năng đã quên mất một "thương tật" dai dẳng, đó là... nỗi ám ảnh không được bảo vệ của các nhà báo.
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý những vụ việc hành hung nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp theo hướng chống người thi hành công vụ.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng. Ảnh: BA
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Giám đốc Công ty Luật INTERCOT (Hà Nội), cho biết: Pháp luật hiện hành đã có những quy định để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhà báo. Tuy nhiên, những luật này lại là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân mà còn thiếu những quy định cụ thể đối với đối tượng đặc thù như người làm báo. Những cán bộ công chức, hoặc một số lực lượng chức năng được trang bị cả công cụ hỗ trợ, khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối đã có thể bị xử lí về tội “Chống người thi hành công vụ”. Trong khi đó, nhà báo hoạt động tại những điểm nóng, xông pha vào những đề tài nguy hiểm không hề có công cụ hỗ trợ, khi bị hành hung, hoặc đập phá thiết bị tác nghiệp, chỉ được xử lí vụ việc như một công dân bình thường vì chưa có chế tài quy định hoạt động công vụ của nhà báo.
Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, việc thiếu chế tài trên dễ dẫn đến nhà báo không được bảo vệ đầy đủ như Luật Báo chí đã quy định: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. (điểm đ, khoản 1, Điều 15, Luật Báo chí sửa đổi 1999).
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, quan niệm nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp không phải là đang thi hành công vụ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc nhà báo bị hành hung gia tăng. Theo ông Lê Như Tiến, nếu không có cơ chế bảo vệ tốt thì nhà báo càng xông xáo, càng đi vào những điểm nóng càng rất dễ bị rủi ro.
Ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, phân tích: Với những bài báo của mình, phóng viên, nhà báo có thể cảnh báo thay đổi nhận thức, hoặc ngăn chặn một nguy cơ nào đó từ việc phanh phui những tiêu cực. Khi hành hung nhà báo vì lý do này thì hậu quả xã hội sẽ rất lớn. Do vậy, phạm vi công vụ này rộng hơn, đó là công luận. Vì vậy, khi nhà báo đang tác nghiệp theo sự phân công của tòa soạn mà bị hành hung, cần được hiểu như đang thi hành công vụ.
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Báo chí sửa đổi. Thiết nghĩ, những ý kiến cần được lưu tâm, để tạo hành lang pháp lí đầy đủ hơn, chắc chắn nhằm thực thi sự bảo hộ của pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật của các nhà báo; đồng thời, tạo thuận lợi để báo chí tham gia chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Còn nhớ, khi nhà báo Nguyễn Ngọc Quang ở Đài Phát thanh - truyền hình Thái Nguyên bị hành hung, cơ quan Công an đã thành lập một tổ quyết điều tra và bắt bằng được đối tượng cầm đầu. Với quyết tâm của Công an tỉnh Thái Nguyên, vụ việc đã có kết quả và sắp được đưa ra xét xử răn đe. Đây được dư luận xem là động thái tích cực để bảo vệ nhà báo của các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên. Cách xử lí này cho thấy, cơ quan bảo vệ pháp luật đã không coi vụ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Quang bị hành hung là vụ việc bình thường mà coi đó là vụ việc rất nghiêm trọng, nên đã không bi... "chìm xuồng".
Cần lắm sự xử lý nghiêm minh của pháp luật nhằm bảo vệ tính mạng và danh dự của nhà báo!