Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vì sao nhiều thí sinh điểm cao chót vót vẫn trượt đại học?

Thứ Sáu, 17/09/2021 17:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường đại học tăng mạnh. Một số ngành tăng vọt so với dự báo, khiến nhiều thí sinh "sốc" khi trượt hầu hết các nguyện vọng, dù đạt ngưỡng 9 điểm mỗi môn thi.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. (Ảnh minh họa: VA).

Năm nay, nhiều ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều có điểm trúng tuyển tăng hơn năm 2021. Giáo dục chính trị có điểm chuẩn 28,25; đây là ngành có điểm trúng tuyển tăng cao nhất so với điểm trúng tuyển ngành này năm 2020 (tăng 9 điểm). Tiếp đó, ngành Giáo dục công dân có điểm chuẩn 27,75 điểm; tăng 8 điểm so với năm 2020. Ngành Sư phạm tiếng Pháp có điểm chuẩn 26,03 điểm; tăng 6,69 điểm so với năm 2020. Còn ngành Sư phạm Lịch sử (D14) điểm trúng tuyển là 26 điểm; tăng 6,05 điểm so với năm trước.

Các ngành đào tạo sư phạm khác của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều có điểm chuẩn tăng từ 1,95 - 4,75 điểm, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hết sức bất ngờ.

Trường ĐH Luật Hà Nội, năm nay, ngành Luật Kinh tế (tổ hợp C00) điểm trúng tuyển là 29,25 điểm, kế đó ngành Luật là 28 (tổ hợp C00), cao hơn năm trước từ 0,5 đến 2,5 điểm.

Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, 68% thí sinh có điểm tổ hợp A00 và A01 từ 29 điểm trở lên trên toàn quốc trúng tuyển Bách khoa Hà Nội; 20% thí sinh trúng tuyển theo tổ hợp A00 và A01 (có tổng điểm 3 môn từ 27 trở lên) nằm trong top 3,62% toàn quốc. Do vậy, điểm trúng tuyển vào trường khá cao. Cao nhất thuộc về ngành Khoa học máy tính với 28,43 điểm; theo sau là ngành Kỹ thuật máy tính với 28,04 điểm. Mức điểm phổ biến dao động từ 26 - 27 điểm.

Đối với các trường "hot" khác như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu thí sinh đạt mỗi môn 9 điểm vẫn trượt nhiều ngành.

Em Nguyễn Ánh Dương, học sinh lớp 12 một trường THPT thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội) thi tốt nghiệp THPT đạt 26,5 điểm. Với số điểm bình quân gần 9 điểm mỗi môn, Ánh Dương đăng ký 4 nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đợt điều chỉnh nguyện vọng, Ánh Dương quyết tâm không thay đổi vì tự tin chắc sẽ trúng được ít nhất 1 nguyện vọng của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Nhưng tối 15/9, Dương "sốc" khi biết mình trượt tất cả nguyện vọng, vì ngành thấp nhất em đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng là 27,05 điểm. “Em rất "sốc" khi mình trượt hết tất cả nguyện vọng vào trường ĐH mình yêu thích. Em không biết mình ôn thi lại năm sau hay đăng ký học Trường ĐH Tài nguyên và môi trường” - Ánh Dương buồn bã chia sẻ.

Không chỉ riêng Nguyễn Ánh Dương có tâm trạng buồn bã khi biết kết quả điểm trúng tuyển mà nhiều học sinh khác cùng chung nỗi niềm như vậy dù thi điểm rất cao. Nhìn vào điểm chuẩn các trường đại học công bố khiến xã hội ngỡ ngàng đặt câu hỏi, phải chăng học sinh năm nay học giỏi hơn nên có thi điểm cao vậy.

Thống kê cho thấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, cả nước có 24.318 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT. Ở tổ hợp khối C00 có 227 bài thi được điểm 10 môn Địa lý, môn Lịch sử có tới 266 thí sinh đạt điểm 10, môn Ngữ văn cũng có 3 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Phổ điểm đẹp lý giải phần nào nhiều thí sinh 27, 28 điểm vẫn có thể trượt đại học nếu không tỉnh táo khi đăng ký xét tuyển ĐH. Thêm vào đó, thí sinh các tỉnh còn được cộng điểm ưu tiên khu vực. 

Lý giải về việc điểm chuẩn một số ngành học cao chót vót, TS Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cho rằng điểm chuẩn một số ngành rất cao do năm nay phổ điểm các môn khối khoa học xã hội cao, số lượng điểm 10 cũng nhiều hơn hẳn so với các năm trước.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, lý giải rằng chỉ tiêu vào ngành học này vốn không cao nhưng nhà trường xét tuyển thẳng hơn một nửa số chỉ tiêu. Đó là lý do vì sao điểm chuẩn cho số thí sinh còn lại xét tuyển vào ngành tăng mạnh.

Còn dư luận thì cho rằng điểm trúng tuyển các trường ĐH đều tăng mạnh, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Bộ GD&ĐT ra đề thi có phần nhẹ nhàng hơn mọi năm, nên điểm thi các môn cao hơn. Thêm nữa, nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng từ 30% - 50%, các chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác (như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) cũng là nguyên nhân điểm chuẩn sẽ tăng lên.

Như vậy, một mùa tuyển sinh nữa khép lại với bao cảm xúc và cả nhiều vấn đề sẽ cần được bàn thảo, lý giải thêm./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN